Ấn Độ 'tự tin mù quáng', Trung Quốc sẽ 'dạy cho một bài học'?
Trong khi quân đội Ấn Độ đã huy động số lượng vũ khí đáng kể đến khu vực tranh chấp với Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Ấn Độ đang tự tin thái quá về năng lực quân sự.
Hoàn Cầu dẫn nhận định của các chuyên gia Trung Quốc, nói rằng vũ khí Trung Quốc vẫn có khoảng cách xa so với Ấn Độ và những hành động huy động vũ khí như vậy đang thu hẹp cơ hội để hai bên đàm phán.
Hoàn Cầu nhắc đến việc quân đội Ấn Độ tăng gấp đôi số binh sĩ đồn trú ở vùng biên giới, nói rằng lực lượng Trung Quốc ở phía bên kia cũng có quân số tương đương.
Về vấn đề không quân Ấn Độ huy động máy bay vận tải C-17, máy bay IL-76 và An-32 để đưa binh sĩ ra tiền tuyến, Hoàn Cầu nói rằng Ấn Độ không có lựa chọn nào khác vì giao thông đường bộ hết sức hạn chế.
Ngược lại, Trung Quốc có thể điều quân bằng nhiều phương tiện khác nhau qua đường sắt, đường bộ, và đường hàng không. Năng lực không vận của quân đội Trung Quốc vượt trội gấp nhiều lần Ấn Độ.
Hoàn Cầu nhắc đến việc Ấn Độ sử dụng trực thăng vận tải CH-47 Chinook để đưa pháo ra tiền tuyến, trong khi trực thăng AH-64 Apache có nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng. Ở trên bộ, các xe tăng T-72 và T-90 của Ấn Độ đóng vai trò mũi nhọn.
Hoàn Cầu cho rằng những vũ khí trên không hề xứng tầm so với vũ khí Trung Quốc, bao gồm pháo tự hành PCL-181 và PLZ-05, trực thăng tấn công Z-19 và xe tăng Type-15, Type-99.
Hoàn Cầu khẳng định hỏa lực, khả năng di chuyển và chiến thuật của quân đội Trung Quốc hoàn toàn vượt trội so với Ấn Độ.
Hoàn Cầu bày tỏ sự mỉa mai khi Ấn Độ phải huy động đến máy bay P-8I của hải quân cho vai trò trinh sát biên giới, vì đây thực chất là máy bay trinh sát biển, năng lực trinh sát trên đất liền rất hạn chế.
Đối với lực lượng không quân, Hoàn Cầu cho rằng các chiến đấu cơ Mig-29, Su-30MKI và Mirage 2000 do Ấn Độ sở hữu không phải là đối thủ của các máy bay do Trung Quốc tự sản xuất.
Các chiến đấu cơ J-10C và J-16 trang bị tên lửa tầm xa PL-15 là đủ để khiến Ấn Độ gặp rắc rối, theo Hoàn Cầu. Cuối cùng, Ấn Độ không có mẫu máy bay nào xứng tầm đọ sức với tiêm kích tàng hình J-20.
Hoàn Cầu nói Ấn Độ sử dụng vũ khí sản xuất ở khắp mọi nơi trên thế giới nên khi thực chiến sẽ gặp rắc rối, chi phí bảo trì và sửa chữa cũng rất tốn kém.
Ngược lại, phía Trung Quốc chủ yếu chỉ sử dụng vũ khí nội địa, đạt hiệu quả cao nhất, chiếm ưu thế tốt nhất, Hoàn Cầu viết.
Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng không có cách nào Ấn Độ thắng được Trung Quốc trong cuộc xung đột quân sự, chỉ là Ấn Độ đang “mù quáng”.