Ấn Độ ưu ái cho Apple, hàng ngàn người sản xuất iPhone thoát cảnh ngồi không
Foxconn vừa báo tin vui cho Apple rằng thủ tục thông quan hàng hóa tại Ấn Độ đã được giải quyết nên việc sản xuất iPhone sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Chính quyền Ấn Độ đã chặn nhiều chuyến hàng từ Trung Quốc vào nước này. Hơn 150 chuyến hàng chứa smartphone và các linh kiện điện tử khác đến các cơ sở Foxconn ở Ấn Độ từ các nhà máy của họ tại Trung Quốc mắc kẹt tại cảng Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.
Foxconn không thể nhận được nguồn cung cho hai nhà máy ở bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ nên hàng trăm nhân viên không có việc gì để làm trong tuần này.
Dù vậy, chính phủ Ấn Độ đã xem xét trường hợp ngoại lệ với hàng nhập khẩu của các công ty nước ngoài như Apple và theo Reuters thì giải pháp này đã được thông qua.
Là đối tác sản xuất iPhone cho Apple lâu năm, Foxconn thông báo thủ tục thông quan hàng hóa tại Ấn Độ đã được giải quyết. Công ty Đài Loan thông báo tin vui này tới Apple trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Đài Bắc. Foxconn sẽ tuân thủ tất cả các thủ tục pháp lý địa phương.
Điều này đồng nghĩa linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc chuẩn bị đến hai nhà máy của Foxconn ở Ấn Độ và hàng ngàn nhân viên thoát cảnh ngồi chơi xơi nước.
Apple bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone tại Ấn Độ vài năm qua với mục đích giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, khởi đầu là iPhone SE rồi đến iPhone XR. Đại gia công nghệ Mỹ sản xuất iPhone ở Ấn Độ để ngăn nước này áp thuế nhập khẩu với họ. Giữ giá của iPhone là rất quan trọng với người dùng có mức thu nhập trung bình ở Ấn Độ.
Đêm 15.6, cuộc đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ với Trung Quốc tại khu vực biên giới hai nước ở Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất iPhone của Apple và vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc đến Ấn Độ.
Một nhóm vận động hành lang đại diện cho các công ty Mỹ ở Ấn Độ đã viết thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp nước này, cho biết việc giữ các lô hàng từ Trung Quốc có thể cản trở hoạt động kinh doanh của họ tại quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,38 tỉ). Việc làm này đã có hiệu quả, ít nhất với Apple.