Ấn Độ và cái vươn vai đứng dậy
Tờ Le Monde (Pháp) mới đây đã có bài viết 'Ấn Độ - nhân tố chủ chốt trong một thế giới bất ổn', cho rằng từng có thời gian giữ vai trò lãnh đạo phong trào không liên kết những năm 1950, giờ đây Ấn Độ đã khẳng định vị trí then chốt trong nhiều liên minh, được củng cố bằng sức nặng kinh tế và quy mô dân số của mình.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã không ít lần nhắc lại rằng Ấn Độ đã đặt cho mình sứ mệnh trở thành “một trong những quốc gia lãnh đạo” thế giới. Như một minh họa mới nhất cho tham vọng này, Ấn Độ đã đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 vào tháng 12/2022 và tháng 9/2023 này sẽ đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi quy tụ các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế, chiếm hơn 75% giá trị thương mại toàn thế giới. Sức nặng của New Delhi càng được củng cố bởi thực tế, trong năm nay, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với hơn 1,4 tỷ người. Trong khi đó, năm 2022 cũng đánh dấu mốc cho việc Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thay thế vị trí của Anh. “Chúng ta bỏ lại phía sau những kẻ đã thống trị chúng ta suốt 250 năm”, Thủ tướng Narendra Modi đã mỉa mai như vậy.
Giai đoạn hiện nay thực ra đã được Ấn Độ chờ đợi từ lâu, bởi ông Narendra Modi, một nhà lãnh đạo dân túy và uy tín, được coi là hiện thân cho sức mạnh toàn năng của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Hindu trên chính trường. Kể từ cuối thế kỷ 20, sự lớn mạnh không ngừng của BJP đã song hành cùng sự trỗi dậy của Ấn Độ trên vũ đài địa chính trị toàn cầu.
“Một đất nước, một gia đình, một tương lai”, khẩu hiệu mà Ấn Độ trong vai trò Chủ tịch G20 đưa ra đã thể hiện những hy vọng về một quốc gia đang mong muốn xuất hiện như “một ngọn hải đăng mới soi sáng đường đi cho một thế giới đang hấp hối”, trong đó có các quốc gia Nam Bán cầu, tức là các quốc gia kém phát triển hơn. Với phương châm này, có vẻ như ông Narendra Modi đã mượn khái niệm “Vasudhaiva Kutumbakam” (Thế giới là một đại gia đình) của tiếng Phạn cổ để nói lên tham vọng của mình và đáp lại những lời gièm pha khác.
Thực tế thì Ấn Độ đã không chờ đến khi giữ cương vị Chủ tịch G20 để có một tầm nhìn “rộng mở” của chính mình. Happymon Jacob, giáo sư và là người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu chiến lược quốc phòng, một tổ chức tư vấn địa chính trị có trụ sở tại New Delhi, đã nhận xét rằng ngay từ khi giành độc lập năm 1947, “Ấn Độ và các nhà lãnh đạo tiêu biểu, gồm Jawaharlal Nehru và Mahatma Gandhi, đã vun đắp cho hình ảnh đất nước như là một quốc gia mong muốn gây ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế. Đó cũng là điều chúng tôi thường xuyên vun đắp với suy nghĩ rằng theo một cách nào đó, chúng tôi còn vĩ đại hơn chính mình”.
Ấn Độ đã chọn con đường tắt, với vai trò là một nhân tố chủ chốt trong nhóm các quốc gia không liên kết, tức là các quốc gia từ chối logic Chiến tranh Lạnh. Một trong những sự kiện nền tảng của phong trào này là Hội nghị Bandung (Indonesia) vào năm 1955. Ấn Độ đã trở thành trung tâm của những “kẻ bên lề” của trật tự thế giới lúc bấy giờ. Ấn Độ cũng từng từ chối lên án cuộc chiến Afghanistan lần 1 của Liên Xô vào năm 1979, cũng như mới đây đã bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đối với nghị quyết lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Mặc dù vậy, có vẻ như tất cả những điều đó không ảnh hưởng tới kết quả “vươn mình đứng dậy” của một Ấn Độ như hiện nay.
Năm 1998, sau khi thực hiện thành công vụ thử hạt nhân thứ 2 bằng cách cho nổ 5 quả bom nguyên tử, Ấn Độ lúc đầu đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng sau đó đã khéo léo đàm phán thành công cho bước ngoặt quan trọng này. Năm 2006, trong chuyến thăm New Delhi, Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Monmohan Singh đã ký một thỏa thuận xác nhận việc Ấn Độ trên thực tế đã gia nhập sân chơi của các cường quốc hạt nhân.
Đầu thế kỷ 21, New Delhi đã tự trút bỏ danh hiệu của một nước lãnh đạo thế giới thứ ba để biến mình thành một quốc gia có tham vọng đạt được vị thế lãnh đạo của thế giới. Theo Happymon Jacob, “chính sách không liên kết trong quá khứ có một sắc thái chuẩn mực đạo đức rất rõ ràng, một chuẩn mực kiểu Gandhi. Nhưng, kể từ nay, cân nhắc đạo đức không còn nằm trong chiến lược” của New Delhi.
Và, Ấn Độ được cho là có đủ phương tiện để thực thi chính sách của mình. Giáo sư Harsh V. Pant, Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu quan sát có trụ sở ở New Delhi nhận xét: “Khi tăng trưởng của Ấn Độ chỉ đạt mức 1% hoặc 1,5%, New Delhi không có khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết định quốc tế. Nhưng, giờ đây, với tư cách là nền kinh tế lớn duy nhất có tốc độ tăng trưởng cao, họ có thể được lắng nghe và thể hiện một mức độ tin cậy cao hơn trên trường quốc tế”.
Để tận dụng tốt nhất nền tảng được xem như một tượng trưng cho sức mạnh ngoại giao đang lên này của Ấn Độ, Ngoại trưởng Jaishankar đã đưa ra một khái niệm ban đầu: “Đa liên kết”. Một khái niệm có thể được hiểu là một phương thức được thực hiện nhằm mục đích phục vụ tốt nhất các lợi ích của quốc gia. Việc từ chối chọn phe - vốn là lập trường nhất quán của Ấn Độ - có thể được lấy làm lý do để đối thoại với tất cả và đây là điều mới mẻ.
Chiến lược này tất nhiên sẽ hàm chứa rủi ro, nhưng nó cho phép Ấn Độ hiện diện nhiều hơn bao giờ hết trên tất cả các mặt trận. Chẳng hạn, Ấn Độ đang là thành viên của Bộ tứ cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Ấn Độ cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) từ năm 2017 và hiện cũng là thành viên của diễn đàn 5 nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/an-do-va-cai-vuon-vai-dung-day-i699219/