Ấn Độ và Myanmar thắt chặt quan hệ Phật giáo qua hợp tác học thuật và văn hóa
Sự hợp tác này không chỉ giúp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Pali mà còn góp phần thúc đẩy các nghiên cứu Phật học, mở rộng giao lưu giữa các học giả Phật giáo Ấn Độ và Myanmar.
Một phái đoàn cấp cao từ Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC) của Ấn Độ đã có chuyến thăm Myanmar từ ngày 17-20/03/2025 để thúc đẩy nghiên cứu Phật học và bảo tồn ngôn ngữ Pali thông qua hợp tác trong lĩnh vực học thuật, truyền thông và các viện nghiên cứu chiến lược, góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt khi chính phủ Ấn Độ đã chính thức công nhận Pali là một ngôn ngữ cổ điển vào ngày 03/10/2024.
Pali là ngôn ngữ của Tam Tạng Kinh (Tipitaka), được coi là ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo Theravāda, được nghiên cứu rộng rãi tại Ấn Độ, Myanmar và nhiều quốc gia Phật giáo khác.

Hình chụp tại Đại sứ quán Ấn Độ, ở Yangon - Myanmar. Nguồn: Facebook
“Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Ấn Độ công nhận Pali là ngôn ngữ cổ điển của nước này vào tháng 10/2024, một bước tiến đã làm sống dậy mối quan tâm học thuật và tâm linh đối với ngôn ngữ này,” IBC nêu rõ trong thông cáo báo chí. (ANI)
Có trụ sở tại New Delhi, IBC là tổ chức liên minh toàn cầu dành cho cộng đồng phật tử, với sứ mệnh bảo tồn các thực hành, truyền thống và lịch sử Phật giáo trên toàn thế giới bằng cách điều phối các nguồn tri thức, kinh nghiệm và tài nguyên.
Tăng cường hợp tác học thuật và truyền thông
Dẫn đầu phái đoàn là Tổng Thư ký IBC, Hòa thượng Shartse Khensur Rinpoche Jangchup Choeden. Trong chuyến thăm, đoàn đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với các quan chức chính phủ Myanmar và làm việc với các cơ quan nhà nước, tổ chức học thuật, hội Phật giáo và cơ quan truyền thông tại Yangon và Naypyidaw để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Tại Naypyidaw, phái đoàn đã gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin Myanmar U Maung Maung Ohn, Thứ trưởng U Ye Tint, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Văn hóa U Tin Oo Lwin, cùng đại diện từ kênh truyền hình Skynet Buddha Channel và Viện Nghiên cứu Myanmar Narrative.
Các cuộc thảo luận tập trung vào sự phát triển toàn cầu của Phật giáo, thúc đẩy ngôn ngữ Pali, quan hệ song phương Ấn Độ - Myanmar, hợp tác truyền thông, cam kết chung về hòa hợp xã hội và các sáng kiến đào tạo báo chí.
Ký kết các biên bản ghi nhớ với các học viện Phật giáo Myanmar

Bộ trưởng Liên bang U Maung Maung Ohn gặp Tổng thư ký Ven. Shartse Khensur Rinpoche Jangchup Choeden của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế. Ảnh: gnlm.com.mm
Một điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là lễ ký kết nhiều biên bản ghi nhớ (MoU) giữa IBC và các học viện Phật giáo hàng đầu của Myanmar, bao gồm Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu (SIBA) và Đại học Phật giáo Bang Shan (SSBU).
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều nhân vật cao cấp như: Trưởng lão Candimabhibamsa, Chủ tịch Ủy ban Tăng già Tối cao Myanmar (Sangharaja); Hòa thượng Sitagu Sayadaw Ashin Nyanissara, người sáng lập SIBA; Hòa thượng Oxford Sayadaw Dr. K. Dhammasami, người sáng lập SSBU.
SIBA, thành lập năm 1994 tại Sagaing, là một trường Phật học đào tạo tăng, ni với trọng tâm giảng dạy kinh điển Phật giáo. SSBU, thành lập năm 2014, là đại học Phật giáo đầu tiên của Bang Shan, cung cấp chương trình cử nhân, cao học và thạc sĩ về Pali và Phật học.
Phái đoàn cũng thăm các trường đại học Phật giáo khác, như Đại học Truyền bá Phật giáo Theravāda Quốc tế và Đại học Pariyatti Sasana Quốc gia, để tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo. Ngoài ra, họ đã đến Trung tâm Thiền Vipassana Dhamma Joti để trao đổi về sự phát triển của phương pháp thiền Vipassana.
Thắt chặt mối quan hệ Ấn Độ - Myanmar
Chuyến thăm kết thúc với một buổi tiệc chiêu đãi do Đại sứ Ấn Độ tại Myanmar tổ chức, có sự tham gia của các thành viên tiêu biểu trong cộng đồng người Ấn tại Myanmar. Sự kiện này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các mối liên kết văn hóa và học thuật trong việc củng cố quan hệ Phật giáo lâu đời giữa hai quốc gia.
Sự hợp tác này không chỉ giúp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Pali mà còn góp phần thúc đẩy các nghiên cứu Phật học, mở rộng giao lưu giữa các học giả Phật giáo Ấn Độ và Myanmar. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Phật giáo giữa hai quốc gia có nền văn hóa và truyền thống Phật giáo lâu đời.
Tác giả: Dipen Barua/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net