Ấn Độ và Pakistan bất đồng về điều kiện để tiến hành đàm phán
Hai nước láng giềng Nam Á Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa tìm ra đồng thuận chung để có thể tiến hành đàm phán về những vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương. Đối thoại được coi là giải pháp duy nhất nhằm hạ nhiệt thế đối đầu giữa hai bên kể từ sau vụ khủng bố hôm 22/4 tại vùng lãnh thổ liên bang Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Quan hệ không mấy êm đẹp giữa Ấn Độ và Pakistan một lần nữa lại bị thử thách sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 22/4 tại thị trấn Pahalgam, vùng lãnh thổ liên bang Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 người thiệt mạng. Vụ việc đã đẩy hai quốc gia láng giềng có sở hữu vũ khí hạt nhân tới bờ vực của một chiến tranh tổng lực; đồng thời cho thấy khác biệt sâu sắc trong cách tiếp cận đối thoại, khiến triển vọng cải thiện quan hệ song phương rơi vào thế bế tắc.

Lực lượng an ninh tuần tra tại thủ đô New Delhi. Ảnh: AN
Về phía Ấn Độ, Chính phủ nước này tiếp tục tái khẳng định quan điểm rằng mọi cuộc đàm phán với Pakistan phải được tiến hành trên cơ sở song phương, và việc đàm phán chỉ bắt đầu khi Pakistan chấm dứt việc tài trợ cho khủng bố để làm tổn hại Ấn Độ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal hôm 22/5 nhấn mạnh: “Đàm phán và khủng bố không thể song hành”. Ông cũng khẳng định các cuộc thảo luận liên quan đến Jammu và Kashmir sẽ chỉ tập trung vào yêu cầu Pakistan rút khỏi các vùng lãnh thổ mà New Delhi cho là bị chiếm đóng bất hợp pháp.
Trước đó 1 ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng khẳng định mạnh mẽ rằng sẽ không có thương mại hay đối thoại với Pakistan nếu nước này còn tiếp tục dung túng cho các hoạt động khủng bố xuyên biên giới. Theo ông Modi, mọi cuộc đối thoại nếu diễn ra, sẽ chỉ nhằm mục đích chấm dứt khủng bố và yêu cầu Pakistan trao trả những vùng lãnh thổ đang tranh chấp.
Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif hôm 21/5 tỏ ra cởi mở hơn với khả năng nối lại đối thoại. Ông đề xuất tổ chức cuộc gặp tại Saudi Arabia để thảo luận về các vấn đề như tranh chấp Kashmir, nguồn nước, thương mại và khủng bố. Tuy nhiên, sáng kiến này nhanh chóng bị New Delhi bác bỏ, với lý do mọi thảo luận phải được tiến hành trực tiếp giữa hai nước mà không có sự tham gia của bên thứ ba.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đóng vai trò trung gian giúp đạt được lệnh ngừng bắn giữa hai nước sau vụ Pahalgam. Tuy nhiên, phía Ấn Độ bác bỏ hoàn toàn, khẳng định lệnh ngừng bắn là kết quả của các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa chỉ huy quân đội hai nước, không có sự can dự của bất kỳ bên nào khác.
Với các quan điểm đối lập như hiện tại, dư luận cho rằng triển vọng đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan hiện vẫn rất xa vời, nếu không muốn nói là bế tắc. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, các tranh chấp có nguồn gốc lịch sử chưa được hóa giải và mức độ đối đầu trong ưu tiên chiến lược.