Ấn Độ vượt trước Trung Quốc trên 'bàn cờ' với Taliban
Giới chuyên gia từng dự đoán Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ gây dựng ảnh hưởng tại Afghanistan. Nhưng hơn một năm sau khi Washington rút quân, thực tế lại đi theo chiều hướng khác.
Sau thắng lợi của Taliban và việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan tháng 8/2021, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sớm “lấp chỗ trống” ở quốc gia này bằng những dự án đầu tư khổng lồ.
“Chúng ta từng nghĩ sự ổn định chính trị được thiết lập lại sẽ hấp dẫn các khoản đầu tư từ Trung Quốc”, tiến sĩ Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị - Quân sự tại Viện Hudson (Mỹ), chia sẻ với Zing.
“Chúng ta từng cho rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế tại Afghanistan. Nhưng điều này đã không xảy ra”, ông nói. “Chính sách của Trung Quốc với Afghanistan không có sự thay đổi thực chất nào, bất chấp các biến động tại Afghanistan”.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng sự thận trọng của Trung Quốc đến từ cả mối lo ngại về an ninh, tính toán về hiệu quả kinh tế lẫn quan ngại về mặt hình ảnh khi chính quyền Taliban chưa được quốc gia nào công nhận.
“Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn đang cẩn thận trong vấn đề Afghanistan vì Taliban chưa có tính chính danh với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế”, phó giáo sư Shamshad Ahmad Khan tại phân hiệu Dubai (UAE) của Đại học BITS Pilani (Ấn Độ), nói. “Bắc Kinh có thể đang theo dõi các lựa chọn một cách cẩn trọng, trước khi tăng đầu tư vào quốc gia chia rẽ sắc tộc này”.
Sự thận trọng của Bắc Kinh
Trong một năm qua, dù vẫn tiếp tục hiện diện tại Afghanistan, Trung Quốc không công bố bất cứ dự án hợp tác quy mô lớn mới nào gắn với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) như kỳ vọng của giới quan sát.
Dù vậy, bà Barbara Kelemen, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á Trung Âu (CEIAS), chỉ ra Trung Quốc vẫn có nhiều dự án đang triển khai tại Afghanistan. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư 3,4 tỷ USD vào Afghanistan, theo số liệu của Viện Kinh doanh Mỹ (AEI).
“Họ sẽ tập trung vào các dự án đã được khởi động, thay vì bắt đầu các dự án mới, cũng như quan sát xem liệu Taliban có thể được coi là một chủ thể có trách nhiệm hay không”, bà nhận định. “Tôi nghĩ an ninh có thể là vấn đề quan trọng nhất - cụ thể là các vụ tấn công bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong nước”.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế tại Afghanistan cũng đang không ở trạng thái lý tưởng cho các khoản đầu tư nước ngoài. Điều này khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu nhân công, cơ sở hạ tầng, tài chính…, ông Weitz cho biết.
Theo các chuyên gia, chống khủng bố mới là mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc tại Afghanistan lúc này - thay vì hưởng lợi về kinh tế hay chiến lược.
“Chống khủng bố là điều trên hết. Họ rất quan ngại về chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia - vốn có thể hỗ trợ gây bất ổn ở Trung Quốc, cũng như có thể lan rộng, gây hại đến các dự án đầu tư của Trung Quốc và an ninh tại Pakistan và Trung Á”, ông Weitz nói.
“Có thể họ sẽ gia tăng mục tiêu kinh tế khi có cơ hội. Nhưng hiện tại, họ đang hướng đến các mối quan hệ hạn chế nhưng tốt và bền vững, cũng như gây áp lực lên Taliban để khiến tổ chức này không hỗ trợ các phong trào khủng bố bên ngoài Afghanistan”, ông bổ sung.
Giới phân tích cũng đánh giá quyết định chưa công nhận Taliban về mặt chính trị của Trung Quốc đến từ quan ngại về mặt hình ảnh nếu họ là nước đầu tiên có động thái này. Trong một năm qua, Trung Quốc và Afghanistan cũng không tương tác rộng rãi về chính trị, dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng đến thăm Kabul hồi tháng 3.
“Họ không muốn là nước lớn đầu tiên đơn phương công nhận Taliban, trừ khi có sự đồng thuận rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế”, bà Kelemen nói. “Họ có thể đang chờ đợi đến thời điểm an toàn hơn”.
Kết quả chưa rõ ràng
Trung Quốc có thể có một số thành tựu về an ninh trong việc hợp tác chống khủng bố. Tuy nhiên, Bắc Kinh không gặt hái được nhiều kết quả kinh tế, theo ông Weitz.
“Đây không phải lỗi từ phía Trung Quốc, khi không có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn vào nền kinh tế (Afghanistan)”, ông Weitz nhận định, nói thêm rằng Bắc Kinh xác định Afghanistan chưa phải ưu tiên hàng đầu trong trọng tâm đối ngoại của nước này.
Ngoài ra, một phần trong chính sách của Trung Quốc được cho là gây áp lực lên phương Tây nhằm yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Afghanistan, khi đó Bắc Kinh sẽ có thêm cơ hội đầu tư.
Hiện không quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban. Phương Tây nói rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm đóng băng hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan, chỉ có thể được dỡ bỏ nếu Taliban đáp ứng các điều kiện như không cấm phụ nữ tham gia hoạt động xã hội.
Hồi tháng 7, Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu đưa ra các kế hoạch thương mại và đầu tư ở Afghanistan. Ông Vương cho biết hai bên đang thảo luận về hai dự án khai thác mỏ lớn, bao gồm mỏ đồng Aynak mà công ty Trung Quốc có quyền khai thác dưới những thỏa thuận với chính quyền cũ ở Afghanistan.
Trong khi đó, bà Barbara Kelemen cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá những mục tiêu của Trung Quốc ở Afghanistan.
Về ngoại giao, những báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Taliban đã rút một số binh lính Duy Ngô Nhĩ ra khỏi biên giới với Trung Quốc, điều có thể được xem là thành tựu an ninh từ Bắc Kinh, vị chuyên gia thông tin.
"Tuy nhiên, ở những vấn đề mang tính chiến lược, mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng phục hồi của Afghanistan, bao gồm những vấn đề kinh tế và nhân đạo. Chính những điều đó sẽ giúp Trung Quốc tái khởi động những dự án mang lại lợi nhuận kinh tế mà không gặp rủi ro an ninh", bà Kelemen nhận định.
Cạnh tranh Trung - Ấn "hướng Tây"
Bên cạnh những căng thẳng biên giới ở Ladakh, hay cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hai cường quốc châu Á Trung Quốc và Ấn Độ được cho là đã mở rộng cạnh tranh về phía tây, cụ thể là Afghanistan. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa hai bên.
Theo ông Khan, Bắc Kinh đã chậm trong việc hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan khi khủng hoảng ập đến quốc gia Trung Đông. Ngược lại, New Delhi đã bắt đầu chi ngân sách, cử những nhà ngoại giao đến Kabul để hỗ trợ y tế và thuốc men.
"New Delhi biết rằng nếu bỏ qua Afghanistan quá lâu, Kabul sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc và Pakistan", ông nhận định.
Theo ông Khan, Trung Quốc đang "chờ đợi và theo dõi tình hình", trong khi Ấn Độ đã có những cách tiếp cận thực tế, do đó có thể nói rằng Ấn Độ rõ ràng đang vượt Trung Quốc ở Afghanistan. Tương tự, ông Weitz cũng nhận định rằng quan hệ giữa Afghanistan và Ấn Độ đang tiến triển tốt hơn so với những dự đoán.
Chính quyền Taliban mong muốn quan hệ với Ấn Độ sâu rộng hơn nữa, bao gồm nối lại thị thực cho học sinh Afghanistan và những tạo điều kiện cho bệnh nhân Afghanistan muốn chữa bệnh tại Ấn Độ. Đó là những giá trị văn hóa và con người mà hai bên tiếp tục gắn bó, ông Khan nói với Zing.
"Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Afghanistan đang dần ổn định. Họ sẽ nối lại chuyến bay thẳng giữa Kabul và New Delhi. Đây là một dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ khôi phục về bình thường mặc dù New Delhi sẽ cần thời gian để công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan", ông Khan kết luận.