'Ăn đong' từng đơn hàng, khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Đơn hàng sụt giảm chỉ còn 30%, có thị trường gần như đóng băng, xuất 'ăn đong' từng container, phải cắt giảm lao động tại nhà máy... là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
lời tòa soạn
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng. Làn sóng lao động phải nghỉ việc đang tiếp diễn, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.
VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Sản xuất cầm chừng, công nhân nghỉ luân phiên
“Rất khó khăn, chúng tôi đang sản xuất cầm chừng”, ông Thang Văn Thông - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng - mở đầu cuộc trò chuyện với PV. VietNamNet.
Là doanh nghiệp lớn về chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ, ông Thông nhớ lại thời điểm này năm ngoái đơn hàng nhiều, doanh nghiệp làm không xuể.
Còn năm nay ngược lại hoàn toàn.
“Tới giờ này, đơn hàng chỉ duy trì được khoảng 30% so với năm ngoái”, ông buồn rầu nói.
Trước đấy, có khoảng 3.600 lao động làm việc tại các nhà máy của Hào Hưng , song do "đói" đơn hàng nên nay công ty cắt giảm còn 2.200 người. Số này cũng làm việc luân phiên.
Theo ông Thông, hoạt động xuất khẩu bắt đầu khó khăn từ cuối năm ngoái và kéo dài đến nay, hiện vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực.
Sau đại dịch, doanh nghiệp đã cử đoàn sang châu Âu, Mỹ, châu Á nhằm tìm kiếm các đơn hàng và thị trường xuất khẩu mới. “Để có đơn hàng, không chỗ nào chúng tôi không đi. Dù thị trường nhỏ, nếu có tín hiệu là lập tức đi ngay”, ông chia sẻ.
Vậy nhưng, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu quá khó, đơn hàng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nên không trông mong gì. Còn thị trường mới ở châu Á như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ có tín hiệu khả quan song vẫn phải chờ, chưa chốt được đơn hàng.
Việc “đói” đơn hàng là thực trạng chung của các doanh nghiệp ngành gỗ, khi một số thị trường xuất khẩu gần như đóng băng. Tuy nhiên, khó lại chồng khó khi tiền hoàn thuế VAT lên tới vài nghìn tỷ của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn “mắc kẹt” vì thủ tục.
“Từ khi ngành gỗ Việt Nam quy mô còn rất nhỏ cho đến nay đã vươn lên đứng top 5 trên thế giới, tôi chưa bao giờ thấy khó khăn như giai đoạn này”, ông Thông than thở.
Không chỉ với doanh nghiệp ngành gỗ, “đói" đơn hàng cũng là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp ngành thủy sản.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, cho biết, thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV. Bây giờ, ký được container nào thì làm container đó. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ nên một số doanh nghiệp thủy sản phải đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng.
Chủ tịch HĐQT một công ty xuất khẩu thủy sản lớn cũng thừa nhận, hết quý I/2023 đơn hàng sụt giảm 27% so với cùng kỳ.
Năm 2022, doanh nghiệp của ông đạt doanh thu 135 triệu USD, tăng tới 35% so với năm 2021. Nhưng năm nay, vị lãnh đạo này quan sát thấy tín hiệu khó khăn đã xuất hiện ngay từ quý IV/2022.
Doanh số xuất khẩu chững lại, đối tác B2B quốc tế (doanh nghiệp - doanh nghiệp) từ chối nhận thêm hàng bởi sức mua của người dân nước họ sụt giảm.
"Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 thì 2023 là năm tiên lượng khó khăn nhất cho các doanh nghiệp thủy sản, khi các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh đồng loạt xảy ra. Trong khi, các vấn đề nội tại như thiếu quỹ đất cho nuôi trồng; chi phí đầu vào tăng cao; lãi suất chưa giảm nhiều... gây yếu tố bất lợi cho xuất khẩu thủy sản", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định.
Đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã giảm từ 20-50% trong quý I/2023, lượng tồn kho tăng.
Ở lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH Song Ngọc (TP.HCM) cho biết, đối tác tại Mỹ hiện không bán được hàng. Thay vì giục công ty xuất hàng sớm như trước, nay DN hoàn thành đơn hàng, xin xuất sang sớm thì bị từ chối.
Xuất khẩu giảm mạnh
Chia sẻ từ Úc, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, thông tin, từ đầu năm tới nay, quốc gia này đã 4 lần tăng lãi suất, người dân thắt chặt chi tiêu do lạm phát. Giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Úc đang có sự điều chỉnh, sức mua chậm, giảm khoảng 20%, mức tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính đến hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh như: gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắn và sản phẩm sắn, thủy sản...
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ vốn tăng trưởng đều đặn, lập kỷ lục khi thu về hơn 16 tỷ USD năm 2022; thì sang quý I/2023 chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, quý I năm 2021 và 2022 dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng con số này vẫn tăng lần lượt 44,9% và 4%.
Tương tự với mặt hàng cao su, 2 năm trước bất chấp dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu cao su quý I/2021 và quý I/2022 tăng lần lượt 102,4% và 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu quý I chỉ đạt 531,3 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Với mặt hàng thủy sản, quý I năm 2021 và 2022 xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 6,3% và 45,4%. Sang đến quý I/2023, xuất khẩu nhóm mặt hàng này lại giảm mạnh 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, xuất khẩu cá tra giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP tính toán, xuất khẩu thủy sản dự kiến dần phục hồi vào quý III/2023. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khó có thể duy trì như năm 2022 (đạt gần 11 tỷ USD).
Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, bộ đã đánh giá 2023 là năm rất khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản nên công tác điều hành cần linh hoạt, giải pháp phải kịp thời. Xuất khẩu nông sản qua các tháng hiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm, song tốc độ xuất khẩu đang nhích dần lên, mức giảm ít hơn.
Dự báo thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất còn khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và hiệp hội xúc tiến mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu,... đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA).