An Gia tăng vốn thần tốc trước khi niêm yết cổ phiếu

Chỉ trong vòng hai năm, Công ty Bất động sản An Gia đã thực hiện 7 lần tăng vốn điều lệ, từ quy mô hơn 100 tỷ đồng lên tới 750 tỷ đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia) trở thành công ty đại chúng. Đây là bước đi cần thiết để cổ phiếu công ty được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

An Gia cũng công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới. Dự kiến, 75 triệu cổ phiếu của An Gia, tương đương vốn điều lệ 750 tỷ đồng sẽ chính thức lên sàn HOSE ngay cuối tháng 12 tới đây.

Được thành lập từ năm 2006 với vai trò là một công ty dịch vụ bất động sản, An Gia dần chuyển mình sang vai trò nhà phát triển dự án và sau đó là chủ đầu tư. Công ty tập trung vào phân khúc bất động sản tầm trung tại khu vực phía Nam, các sản phẩm được phát triển ở chủ yếu ở TPHCM và một số tỉnh lân cận, như Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính đến năm 2019, An Gia đã phát triển nhiều dự án với hàng nghìn căn hộ. Đối tác chiến lược của công ty là các các quỹ đầu tư như Creed Group, Hoosiers (Nhật Bản) hay Actis (Anh Quốc); các nhà thầu uy tín trong nước như Coteccons, Ricons.

Con đường phát triển của An Gia gắn chặt với Creed Group - quỹ đầu tư bất động sản tại Nhật Bản với quy mô tài chính lên tới 5 tỷ USD. Năm 2015, Creed Group và An Gia đã ký kết hợp đồng đầu tư toàn diện. Theo đó Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần, đầu tư vào dự án và chuyển giao công nghệ.

Trên thực tế, bắt tay với An Gia không phải là phi vụ làm ăn đầu tiên của quỹ đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Trước đó, cuối năm 2014, Creed Group tiến vào thị trường Việt Nam bằng cách đầu tư vào dự án City Gate Towers với hơn 1.000 căn hộ tại mặt tiền Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), thông qua việc mua trái phiếu của công ty này với giá trị 600 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mối quan hệ hợp tác không như ý khi chỉ sau đó một năm, Creed Group nhanh chóng rút lui bằng việc bán dần số trái phiếu của Năm Bảy Bảy và chuyển hướng sang một công ty ít tiếng tăm hơn là An Gia.

Liên minh An Gia – Creed Group sau đó tạo tiếng vang trên thị trường bất động sản thông qua những phi vụ thâu tóm, M&A các công ty trong ngành. Công ty cho biết lựa chọn con đường này để tiết kiệm thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

Thương vụ điển hình trong chiến lược M&A của An Gia – Creed Group đó là thâu tóm dự án Lacasa Quận 7, TP.HCM từ công ty bất động sản Vạn Phát Hưng. Dự án có quy mô 6 ha với 2.000 căn hộ, gồm cả office-tel thuộc phân khúc trung cao cấp. Sau khi thâu tóm, An Gia đã chia nhỏ khu đất thành nhiều phần và phát triển lần lượt. Đến nay đã có một số dự án hoàn thành như Skyline, Riverside, và một số dự án đang phát triển như River Panorama, The Signial, Sky 89.

Mặc dù vậy, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của An Gia – Creed Group cũng gặp không ít khó khăn.

Đáng chú ý nhất là dự án River City tại Quận 7. Để phát triển dự án này, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và liên minh An Gia – Creed Group đã lập nên Công ty TNHH An Gia Phú Thịnh. Tuy nhiên tới tháng 6/2017, Công ty Phú Thịnh đã bị giải thể và liên doanh này tan rã.

Dự án này trước kia có tên là The Everrich 2, do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do số lượng căn hộ quá nhiều và giá quá cao nên Phát Đạt đã bị sa lầy. Trả lời tại ĐHCĐ năm 2017, lãnh đạo của Phát Đạt cho biết liên doanh giữa Phát Đạt – An Gia – Creed Group đang phải tạm thời dừng bán để điều chỉnh quy hoạch. Dự án này sau đó đã phải hoàn lại tiền, bồi thường cho khách hàng và “đắp chiếu”. Đến đầu năm 2019, dự án được triển khai trở lại với cái tên mới là Sunshine City Saigon.

Mặc dù gặp nhiều rắc rối phát sinh tại các dự án bất động sản, liên minh An Gia – Creed Group vẫn không ngừng phát triển các quỹ đất mới. Sau TP.HCM, An Gia tập trung nguồn lực vào bất động sản Vũng Tàu với dự án tổ hợp The Sóng.

Phối cảnh tổ hợp The Sóng

Phối cảnh tổ hợp The Sóng

Dự án có diện tích 8.816 m2, được thiết kế với 36 tầng nổi và hai tầng hầm, và bao gồm 1.500 căn hộ du lịch hạng sang. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022.

Song song với hoạt động thâu tóm, An Gia còn tăng vốn điều lệ lên nhiều lần chỉ trong một thời gian rất ngắn nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Cụ thể, năm 2012, An Gia mới có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tới tháng 7 năm 2017, công ty mới tăng vốn điều lệ lần đầu tiên lên 105,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ trong vòng 2 năm, An Gia đã thực hiện thêm 7 lần tăng vốn điều lệ nữa. Lần gần đây nhất, ngày 26/9/2019, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng.

Cùng với tăng vốn điều lệ, Hội Đồng Quản Trị của An Gia mới đây cũng thay máu mạnh mẽ, với sự xuất hiện của các đại diện quỹ đầu tư. Đó là ông Yamaguchi Masakazu, đại diện phần vốn góp của Creed tại An Gia, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Dynam. Đây là quỹ đầu tư có quy mô gần 200 triệu USD.

Trước khi lên sàn chứng khoán, các quỹ đầu tư ngoại đang hoạt động mạnh trên thị trường cũng tỏ ra hứng thú với An Gia. Bên cạnh Creed, thông tin cổ đông mới nhất của An Gia còn có sự xuất hiện của Korea Investment Management (KIM) của Hàn Quốc. Quỹ đầu tư KIM nắm giữ 50 triệu cổ phần tại An Gia, tương đương 6,67%, chỉ đứng sau Creed Group với 12,5% cổ phần. Một số đối tác nước ngoài khác như Hoosier nắm 3,58% cổ phần, Aytk Limited nắm 4,93% cổ phần.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/an-gia-tang-von-than-toc-truoc-khi-niem-yet-co-phieu-1574622017336.htm