An Giang chăm lo cho nạn nhân da cam

Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang, năm 2022, tỉnh hội và các huyện hội tích cực triển khai thực hiện Công văn 76/TWH-TT, ngày 18/5/2022 của Trung ương hội về việc tổ chức các hoạt động nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” (10/8), kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022).

Tỉnh hội và các hội cấp huyện luôn củng cố kiện toàn tổ chức, đoàn kết thống nhất trong hoạt động hội và được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Trung ương hội, đặc biệt là được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Toàn tỉnh hiện có 2.055 hội viên, trong đó phát triển mới 26 người.

Tặng Kỷ niệm chương và bằng tri ân “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho các cá nhân có nhiều đóng góp

Tặng Kỷ niệm chương và bằng tri ân “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho các cá nhân có nhiều đóng góp

Tỉnh hội và 11 hội cấp huyện thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là tuyên truyền Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn 58- CV/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trong tình hình mới”.

Từ đó, nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân được nâng lên, hiểu rõ hơn về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, công tác vận động, đóng góp quỹ để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam có sự chuyển biến tích cực. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2022 vận động hơn 1,6 tỷ đồng, qua đó xây dựng 9 căn nhà Tình thương, trao tặng 1.626 suất quà cho các nạn nhân, hỗ trợ 11 hộ vay vốn không tính lãi…

An Phú là địa bàn biên giới, còn nhiều khó khăn. Quyết tâm nỗ lực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện An Phú phát triển mới 34 hội viên, nâng tổng số 62 hội viên, trong đó có 24 nạn nhân da cam được hưởng các chế độ trợ cấp hàng tháng. Thời gian qua, huyện hội hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ: Củng cố hệ thống tổ chức hội và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc hóa học. Đã vận động 548 triệu đồng để thực hiện các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, góp phần “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”…

Hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: PHƯƠNG LAN

Hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: PHƯƠNG LAN

Ông Lê Văn Sự (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện An Phú) cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kiện toàn, phát triển tổ chức hội; tăng cường đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”; đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực xây dựng quỹ; thường xuyên phối hợp các tổ chức, cá nhân nhằm chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, như: Xây dựng và sửa chữa nhà, trợ cấp khó khăn, tặng quà… để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Đại tá Lê Thanh Tâm (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang) cho biết, việc chăm lo cho nạn nhân da cam luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả. Để chăm lo tốt hơn cho nạn nhân da cam, thời gian tới, các hội cấp huyện tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội (nhiệm kỳ 2020-2025) của Ban Chấp hành Tỉnh hội. Tăng cường công tác vận động quỹ, lấy chữ “tâm” làm động lực hoạt động, tất cả vì mục đích thiện nguyện nhằm thực hiện tốt việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Tổ chức đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 62 năm Ngày thảm họa da cam (10/8/1961 - 10/8/2023); tổ chức tốt các sự kiện nhằm lan tỏa trong toàn xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam...

“Tập trung nghiên cứu triển khai nội dung thi đua với nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp tình hình địa phương, đạt hiệu quả thiết thực, tạo lan tỏa sâu rộng; góp phần động viên người làm công tác hội và nạn nhân da cam tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt trách nhiệm “Vì nạn nhân chất độc da cam”, giúp đỡ nạn nhân vươn lên trong cuộc sống”- ông Lê Thanh Tâm nhấn mạnh.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.571 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ có bệnh tật do liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học (trong đó 551 người đang hưởng chế độ hàng tháng từ ngân sách nhà nước) và hơn 5.925 người sống trong vùng chiến tranh…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-cham-lo-cho-nan-nhan-da-cam-a355662.html