An Giang chủ động phòng, tránh thiên tai

Theo dự báo, tình hình thiên tai, mưa bão sẽ diễn biến phức tạp từ đây đến cuối năm. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động nâng cao kiến thức phòng tránh, nhằm giảm thiểu hậu quả của hiện tượng thời tiết xấu và các loại hình thiên tai.

An Giang là tỉnh đầu nguồn, là một trong 2 tỉnh ở ĐBSCL (cùng với Kiên Giang) có địa hình đặc thù đồng bằng và đồi núi. Hàng năm, tỉnh thường xuyên gặp các loại hình thiên tai (như: Lũ; sạt lở đất; mưa lớn; giông, lốc, sét; khô hạn; xâm nhập mặn; cháy rừng do tự nhiên; nắng nóng…), ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất hạ tầng, nhà cửa, giao thông, hệ thống công trình thủy lợi, công trình công cộng. Đặc biệt, còn gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú). Ảnh: H.C

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina duy trì đến hết tháng 6/2022 với xác suất khoảng 65-75%; tháng 7/2022 có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất khoảng 60%. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5 đến tháng 7/2022 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), từ tháng 8 đến tháng 10/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN. Dự báo có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó khoảng 4-6 cơn bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn bão, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn bão).

Khu vực tỉnh An Giang ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, cần đề phòng cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp và kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, gây mưa lớn trong các tháng mưa, bão.

Nắng nóng năm 2022 được nhận định là có cường độ yếu hơn và kết thúc sớm hơn so với năm 2021. Từ tháng 4/2022, áp cao lạnh lục địa vẫn còn hoạt động tăng cường ở phía bắc, áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam. Nền nhiệt độ trên toàn tỉnh bắt đầu tăng mạnh, có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Nhiệt độ trung bình khu vực tỉnh An Giang từ tháng 4 đến tháng 6/2022 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 7 đến tháng 10/2022, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn 0,5-1°C so với TBNN cùng thời kỳ. Khoảng 6-7 đợt nắng nóng diện rộng, nhiệt độ cao nhất vào khoảng 35-37°C, xuất hiện nhiều trong nửa cuối tháng 4 và tháng 5/2022. Trong nửa đầu tháng 6/2022, có khả năng vẫn còn xuất hiện 1-2 đợt nắng nóng diện rộng.

Khắc phục sạt lở bằng các giải pháp công trình. Ảnh: H.C

Thời kỳ bắt đầu mùa mưa có khả năng xuất hiện sớm hơn TBNN (khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5). Tổng lượng mưa trong tháng 4 và tháng 5/2022 cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng từ 15-20%; tổng lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 9/2022 ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ; tổng lượng mưa tháng 10/2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Trong mùa mưa, khu vực tỉnh An Giang có khả năng xảy ra khoảng 4-6 đợt mưa lớn diện rộng. Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc…

Cũng từ nửa cuối tháng 4/2022, khu vực tỉnh An Giang xuất hiện các đợt mưa chuyển mùa. Do đó, độ mặn vùng giáp ranh giữa tỉnh Kiên Giang - An Giang (tại huyện Tri Tôn và Thoại Sơn) ít có khả năng tăng cao. Độ mặn cao nhất trên kênh, rạch trong mùa khô năm 2021-2022 có khả năng ở mức từ 0,2-0,3‰.

Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong từ cuối tháng 4 đến tháng 5 biến đổi chậm, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng cao hơn TBNN từ 5-15%; từ tháng 6-10 là thời kỳ mùa lũ trên lưu vực sông Mekong. Mực nước trên các hệ thống sông, kênh thuộc tỉnh An Giang từ nửa cuối tháng 4 đến cuối tháng 6/2022 tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Bộ đội Biên phòng giúp dân di dời nhà có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Ảnh: G.K

Các trạm nội đồng Tứ giác Long Xuyên còn chịu ảnh hưởng bởi lượng mưa nội vùng và quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi trong vùng. Từ tháng 7/2022, mực nước hệ thống sông, kênh trong phạm vi tỉnh bắt đầu lên dần. Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức trên báo động (BĐ) I, thấp hơn đỉnh lũ TBNN khoảng 0,3m.

Vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao và trên Rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức BĐI-BĐII (BĐII tại Vàm Nao: 2,9m; Chợ Mới: 2,5m); trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức trên BĐIII từ 0,1-0,2m (BĐIII tại Long Xuyên: 2,5m). Thời gian xuất hiện trong nửa đầu tháng 10. Cần đề phòng khả năng gây ngập lụt, úng tại khu vực có địa hình trũng, thấp, vùng ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại TP. Long Xuyên trong các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, người dân cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết; thông báo, hướng dẫn của địa phương. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống ngập úng trong sản xuất nông nghiệp, chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng và tài sản gia đình.

Theo Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2021, trên địa bàn tỉnh An Giang có 4 người chết và 2 người bị thương do sét đánh. Mưa giông, lốc làm thiệt hại 316 căn nhà và 1.076ha lúa, hoa màu, cây ăn trái. Ước tổng thiệt hại gần 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch xảy ra tại 43 điểm, chiều dài 2.049m, ảnh hưởng đến 39 căn nhà, ước tổng thiệt hại về đất khoảng 2,3 tỷ đồng.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-chu-dong-phong-tranh-thien-tai-a333790.html