An Giang chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt kịp xu thế, hướng tới phát triển bền vững. Cùng với đó, ngành chức năng có nhiều chương trình, chính sách, hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
Chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, nhận thức chung của DN và doanh nhân về vai trò của khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) chuyển biến đáng kể. Một bộ phận DN đã ưu tiên đầu tư, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, tạo bước tiến mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của DN.
Đến nay, tỉnh có 37 hợp tác xã (HTX) ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, SXKD nông nghiệp. Trong đó, có 27 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa để tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, DN theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Tiêu biểu một số mô hình của HTX, liên hiệp HTX thực hiện thành công, như: Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; trồng dưa lưới trong nhà màng; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; kết hợp sử dụng điều khiển quy trình canh tác nông nghiệp qua thiết bị số thông minh (smartphone, máy tính bảng); hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời... được tập trung sản xuất tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, như các huyện: An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Tri Tôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, khi ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số giúp các công ty, DN, HTX, hộ/cơ sở SXKD có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Điển hình như sản phẩm: Nhãn xuồng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Khánh Hòa (huyện Châu Phú); khô ếch một nắng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Chăn nuôi Ếch Khánh Hòa (huyện Châu Phú); xoài keo của HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú); sà-rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (TX. Tịnh Biên)...
Nhiều kết quả
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng hiệu quả máy bay không người lái (drone) phun thuốc trừ sâu bệnh trên đồng ruộng. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động từ 15 - 30 lần, giảm giá thành sản xuất, rút ngắn thời gian phun thuốc trên cùng đơn vị diện tích, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so phun xịt thông thường để phòng trừ dịch hại, phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP. Tập đoàn VNPT với giải pháp ONE Farm ứng dụng công nghệ IoT, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, từ khâu canh tác cho tới phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản.
ThS Võ Minh Khôi, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc chia sẻ: “Công ty đã ứng dụng các phần mềm quản trị DN, phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến, đã giúp chuyển đổi/số hóa các hoạt động SXKD, phân tích dữ liệu; thay đổi quy trình bán hàng theo hướng nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại hơn. Đặc biệt, ứng dụng hệ thống thiết bị và phần mềm thu thập dữ liệu lớn trong chương trình chọn giống cá bố mẹ và một số thiết bị giám sát môi trường ao nuôi, sức khỏe vật nuôi cho hiệu quả cao”.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Trần Trung Hiếu cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 30%. Các DN còn tăng cường xây dựng, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin để phủ sóng thông tin di động, Internet đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, hạ tầng Internet cáp quang tốc độ cao đáp ứng 100% nhu cầu kết nối của các cơ quan, tổ chức khi cần; 100% khóm, ấp được phủ sóng băng rộng di động; 70,73% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; trên 75% người dân sử dụng điện thoại thông minh...”.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang Trần Văn Cứng thông tin: “Nhiều HTX, liên hiệp HTX sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị dữ liệu trao đổi thông tin, quản trị hoạt động đầu vào, đầu ra…; truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán.
Nhiều HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp áp dụng công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt…), chuyển đổi số, sản xuất sản phẩm có thương hiệu (OCOP, hữu cơ, GlobalGAP…), tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, sàn bán hàng điện tử. Riêng HTX vận tải đầu tư thiết bị, phần mềm để quản trị hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa, tích hợp thanh toán tự động không dừng. HTX thương mại đầu tư mở rộng kho và cửa hàng, thiết bị, ứng dụng phần mềm bán hàng, quản lý nhập, xuất hàng hóa”.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 19 DN tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee. Đưa 88 sản phẩm OCOP của các DN lên trang sản phẩm OCOP tỉnh để tuyên truyền, quảng bá. Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Để giúp các DN chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các DN, HTX, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ tư vấn, tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số. Đến năm 2025, có 100% hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa có thể dễ dàng trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ SXKD.
Các hộ, cá nhân kinh doanh, DN có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số. Phấn đấu 80% DN sử dụng hợp đồng điện tử; 50% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số... Đến năm 2030, có 100% DN sử dụng hợp đồng điện tử; 70% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-a398259.html