An Giang đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Năm 2022, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế 'một cửa', 'một cửa liên thông' trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Qua đó, nhằm đổi mới, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, để người dân, DN có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Thực hiện Nghị định 107/2021/NĐ-CP, ngày 6/12/2021 sửa đổi Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC, năm 2022, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn, rà soát, nâng cấp trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh. Đổi mới giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC. Triển khai thực hiện cơ chế giao DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC…

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 45/2020/NĐ-CP. Theo đó, sẽ cung cấp danh mục TTHC trên môi trường điện tử. Tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Hoàn thiện tính năng, chức năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của tỉnh. Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC. Triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp bản sao điện tử từ sổ gốc; truyền thông về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Để thực hiện đạt các nội dung, nhiệm vụ đề ra, UBMTTQVN tỉnh An Giang, các hội, đoàn thể cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Nguyễn Thanh Hải, đơn vị sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và nắm bắt kịp thời việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Phối hợp rà soát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; các giải pháp xác minh thông tin để bảo đảm mức độ an toàn trong quá trình đăng ký, đăng nhập của tổ chức, cá nhân.

Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch 108/KH-UBND, ngày 3/3/2021 của UBND tỉnh An Giang về số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương còn hiệu lực. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh nâng cấp Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của tỉnh, đảm bảo đầy đủ tính năng theo quy định. Hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng UBND tỉnh về cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” các cấp, phục vụ công tác số hóa hồ sơ khi tiếp nhận, đảm bảo đúng lộ trình quy định…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, việc triển khai thực hiện Nghị định 107/2021/NĐ-CP; Nghị định 45/2020/NĐ-CP, ngày 8/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận “một cửa”, tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đối với một số TTHC có đủ điều kiện, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận “một cửa” thông qua việc tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số chuyên dùng trong việc tiếp nhận, giải quyết và phê duyệt kết quả giải quyết TTHC. Đổi mới việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên ứng dụng công nghệ mới. Từng bước thay đổi nhận thức trong nhân dân về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, để người dân, DN tin tưởng, lựa chọn phương thức giao dịch TTHC trực tuyến bằng văn bản điện tử (thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại các cơ quan hành chính nhà nước bằng văn bản giấy) nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.

“Việc đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC trên môi trường điện tử nhằm giúp người dân, DN có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Đây được xem là chìa khóa của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

-THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-day-manh-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-tren-moi-truong-dien-tu-a329752.html