An Giang, Đồng Tháp giám sát chặt thời gian lái xe, công khai cước vận tải dịp lễ 2/9
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở GTVT các tỉnh An Giang và Đồng Tháp tăng cường thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.
An Giang phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân
Ông Đỗ Văn Thơm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang cho biết, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải.
Đồng thời tuyên truyền và nhắc nhở tài xế thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày, chấp hành nghiêm tốc độ cho phép, quy định về nồng độ cồn.
Công ty CP Phà An Giang có phương án bố trí phương tiện đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, không để ùn ứ gây ách tắc giao thông tại các bến phà trong tỉnh.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Cục Đường bộ Việt Nam khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô để giám sát, cung cấp dữ liệu cho lực lượng chức năng xử lý nghiêm những chủ phương tiện và lái xe vi phạm.
Tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố hạ tầng giao thông.
"Sở cũng chỉ đạo phòng ban đôn đốc các chủ dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ thiết yếu phải kịp thời hoàn trả mặt đường, bảo đảm chất lượng.
Bố trí cán bộ, nhân viên, người lao động trực, gác hướng dẫn, điều tiết giao thông trong trường hợp cần thiết", Phó giám đốc Sở GTVT An Giang cho biết thêm.
Đồng Tháp nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông
Tại Đồng Tháp, mục tiêu của tỉnh là phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm ngoái.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Đồng Tháp cho biết, lễ Quốc khánh năm nay, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ và đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; áp dụng phù hợp hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện và hạ tầng thân thiện môi trường.
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn đổi với tổ chức, cá nhân; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vị làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số...