An Giang đưa pháp luật về biên giới

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Đây là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Quốc phòng triển khai đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027' (gọi tắt là Đề án 1371).

An Giang giữ vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tỉnh có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới.

Được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên khu vực biên giới ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, nên chưa quan tâm tìm hiểu pháp luật; trình độ nhận thức không đồng đều.

Cùng với các đơn vị quân đội, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cùng với các sở, ngành trên địa bàn quán triệt nghiêm túc, tích cực triển khai Đề án 1371 sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, nội dung phong phú. Qua thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như: Tuyên truyền, phổ biến qua mạng Internet, mạng nội bộ trong quân đội, cổng thông tin điện tử; giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa - văn nghệ; “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, tủ sách pháp luật... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cuối tháng 6/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang phối hợp Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm “Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật”. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Quân khu 9 được Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân lựa chọn phối hợp tổ chức tọa đàm.

Đại tá Ngô Anh Thu, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ: “Những năm tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” và bảo vệ, phát triển đất nước, việc phát huy vai trò của quân đội trong triển khai tuyên truyền, PBGDPL càng đặt ra cấp thiết. Dù trên tuyến biên giới tỉnh An Giang, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, nhưng hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp…

Tọa đàm là dịp để trao đổi kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; làm cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình, cách làm mới trong thực hiện Đề án 1371 trên phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài quân đội. Đây là dịp để tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “thượng tôn pháp luật” cho Nhân dân”.

Những ý kiến trong buổi tọa đàm phần nào làm rõ công tác lãnh, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL; nội dung, cách thức xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền; công tác phối hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong và ngoài quân đội; khó khăn, hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai Đề án 1371, đề xuất giải pháp cụ thể để hiệu quả tuyên truyền PBGDPL thời gian tới được tốt hơn.

Ngoài dạy giáo lý, dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm địa phương, ông A Na (xã Khánh Bình, huyện An Phú) thường kết hợp giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của địa phương. “Đặc biệt là khi được chính quyền địa phương, BĐBP tuyên truyền quy định liên quan đến khu vực biên giới, tôi cũng như bà con người Chăm hiểu rõ, nắm được những quy định cấm trên khu vực biên giới. Từ đó, bà con có ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế qua lại biên giới trái phép, đánh bắt cá bằng xuyệt điện, ghe cào...” - ông A Na cho biết.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác biên phòng nói chung, công tác tuyên truyền, PBGDPL nói riêng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong BĐBP cần tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc công tác này cho cán bộ, chiến sĩ, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu… Đồng thời, chủ động phối hợp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 1371, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống của người dân trên khu vực biên giới.

“Rất mong lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã biên giới thường xuyên phối hợp, hỗ trợ các đồn biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới nói chung, công tác tuyên truyền, PBGDPL nói riêng. Cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng BĐBP tỉnh tăng cường phản ánh tin, bài, chuyên trang, chuyên mục pháp luật về biên giới, lan tỏa mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, PBGDPL trên khu vực biên giới” - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-dua-phap-luat-ve-bien-gioi-a399177.html