An Giang: Giãn cách xã hội, dân thành thị làm bạn với ĐTDĐ, ti vi, người nông thôn trồng rau, nuôi cá
Thực hiện giãn cách xã hội trong mùa dịch, người dân vùng nông thôn, thành thị lại sinh hoạt hoàn toàn trái ngược nhau.
Người dân nông thôn tưới rau, thăm rẫy, cho cá ăn
Tại xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang, sau khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Cẩm Loan (30 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn) không có gì thay đổi vì có sẵn nguồn lương thực.
Đa số người dân vùng nôn thôn đều có đồng ruộng, rẫy, vườn ao nên luôn có sẵn nguồn lương thực -Ảnh: Tô Văn
Chị Loan cho biết, trong quê, xung quanh nhà người dân đa phần là đồng ruộng, rẫy, vườn, ao. “Như anh thấy, phía sau nhà tui hiện có miếng đất trồng rẫy (bầu, bí rợ, dưa leo - PV), bên hông nhà kết hợp vườn, ao, chuồng. Từ khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tui không đi làm nên bắt đầu công việc mỗi sáng tưới rau, thăm rẫy, cho gà, vịt, cá ăn”, chị Loan nói.
Chị Loan bên rẫy bí rợ của mình - Ảnh: NVCC
Chị Loan cho biết thêm, phải luẩn quẩn xung quanh nhà, đôi khi bản thân cảm thấy không quen. Vì trước lúc dịch bùng phát, khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, chị cùng chồng và con thường xuyên đi chợ, uống cà phê thư giãn.
“Như lúc này, cả gia đình chỉ đi ra rẫy hay làm vườn, cảm thấy mình như bị cô lập vì không dám tiếp xúc với nhiều người, kể cả hàng xóm. Tui chấp hành tốt Chỉ thị 16 lắm nghen! Tui với mẹ, cùng chồng làm rẫy, trồng thêm rau, nuôi thêm gà, vịt. Bây giờ, thực sự cảm thấy thoải mái và không bị ảnh hưởng vì không tới chợ mỗi ngày để mua thực phẩm. Ở nhà có rau ăn rau, có cá ăn cá, gà, vịt đẻ trứng không kịp lụm”, chị Loan bộc bạch.
Ở quê người dân nông thôn có rau ăn rau, có cá ăn cá không cần phải đi chợ - Ảnh: Tô Văn
Tương tự, chị Vũ Thị Bưởi (35 tuổi, ngụ cùng địa phương với chị Loan) chia sẻ: "Từ khi địa phương áp dụng việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, gia đình chị vẫn có thể đảm bảo tự cung tự cấp lương thực mỗi ngày. Gia đình đã có sẵn gạo (vì hiện chị có 5 công ruộng - PV), cá thì ra ao câu, vịt, gà gia đình nuôi, rau mọc ngoài vườn nên không cần đi chợ. Ở quê, gia đình nào cũng có rẫy, có vườn tược, ao chuồng nên thoải mái trong việc sinh hoạt. Vì vậy, tui cảm thấy mình vô tư, yêu đời".
Người dân thành thị đi ra đi vào, mở điện thoại, ti vi
Chị Trần Tô Kim Phượng (30 tuổi, ngụ P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) cho biết, từ khi thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị toàn ở trong nhà, chỉ tới ngày đi chợ mới cử 1 người trong gia đình đi mua lương thực cho những ngày kế tiếp.
“Tui ở nhà muốn bị stress luôn, không biết làm gì, hết mở ti vi tới điện thoại xem tin tức... Muốn tập thể dục cũng không dám đi ra công viên vì sợ bị phạt. Tui chỉ mong mọi người có ý thức chấp hành tốt để cùng chung sức với chính quyền dẹp dịch, khi đó thời gian giãn cách sẽ được rút ngắn lại, chứ kiểu thiếu ý thức rồi đi tùm lum lây bệnh thì việc ở trong nhà sẽ tiếp tục hoài thôi, mọi người đâu muốn kiểu như vậy đúng không?”, chị Phượng tâm tình.
Việc giãn cách xã hội, người dân thành thị hạn chế ra đường nên làm bạn với điện thoại, ti vi - Ảnh: Tô Văn
Cũng theo chị Phượng, nhà chị còn có ba mẹ chồng, không biết làm gì khi ở trong nhà, hai ông bà chỉ biết mở ti vi, hầu như ngày nào chồng, con chị đều "kêu trời" và muốn thuộc lòng lời mấy anh youtuber đăng clip kiếm view.
Ở thành thị với diện tích nhỏ, người dân rất khó trồng rau hay nuôi gà, vịt để dự trữ - Ảnh: Tô Văn
Còn chị Trần Ni (35 tuổi, ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) cho biết, nhà chị nằm trong hẻm nhỏ ngay trung tâm thành phố, từ khi giãn cách gia đình chỉ ở trong nhà, muốn làm việc gì đó cho "giãn gân cốt" cũng không được.
“Đi ra ngoài không được, đi qua hàng xóm “tám chuyện” cũng không được, chỉ nói chuyện với người nhà. Nhà tui thì diện tích nhỏ nên không có sân, việc trồng rau, hay nuôi gà, vịt là điều không thể thực hiện. Vì vậy, cảm thấy nó ngột ngạt hơn ở nông thôn. Bây giờ, gia đình tui chỉ có bạn là chiếc điện thoại hay ti vi để xem tin tức mỗi ngày. Tới giờ cơm thì mạnh ai tự ăn, không thì vào bếp dùng tạm mì gói để chờ tới ngày hết giãn cách”, chị Ni bộc bạch.