An Giang giữ vai trò trọng điểm về kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong chặng đường hơn 49 năm sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đang cùng cả nước đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh An Giang đã khẳng định được vai trò quan trọng về kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh An Giang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thúy Hạnh

Tỉnh An Giang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thúy Hạnh

An Giang là tỉnh biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và tiềm năng kinh tế, là trung tâm đầu mối giao thương quốc tế vùng với khu vực ASEAN qua cửa ngõ Campuchia. Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 3.536,7km2 (chiếm 8,7% diện tích đồng bằng sông Cửu Long). Dân số của tỉnh có hơn 1,9 triệu người (chiếm 11% dân số đồng bằng sông Cửu Long).

Từ một tỉnh thuần nông, An Giang có xuất phát điểm thấp, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đến nay, tỉnh An Giang là địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, được Trung ương đánh giá cao.

Trước kia, An Giang là một tỉnh luôn thiếu gạo. Hiện nay, tỉnh An Giang là vựa lúa của cả nước và là một trong các tỉnh có thế mạnh xuất khẩu lúa gạo với khoảng 1,5 triệu tấn/năm, đột phá đi đầu về nuôi, xuất khẩu cá tra, cá ba sa. An Giang trở thành cái nôi cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với quyết tâm tạo đột phá trên các lĩnh vực, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, 15/16 chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra chủ yếu thực hiện vượt và đạt tiến độ ít nhất trên 50% so với kế hoạch. Các chương trình trọng tâm đột phá được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Trong quý I năm 2024, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển mạnh, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 28,037 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đón 4,1 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 2,5% so với cùng kỳ và đạt 46% kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh An Giang ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Nhờ địa phương làm tốt công tác kích cầu tiêu dùng ở các khu điểm du lịch, vùng biên, 40.000 tỷ đồng là tổng số doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ mà tỉnh An Giang đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng gần 14%, con số này được dự báo còn có khả năng tăng cao hơn. Tại huyện Châu Đốc, siêu thị Tứ Sơn lớn nhất tỉnh có từ 20.000-30.000 đầu hàng các loại, hơn 90% sản phẩm là hàng Việt Nam.

Chị Phạm Mỹ Xuyên, du khách ở tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Mỗi lần qua An Giang, tới Châu Đốc hành hương, tôi thường đến siêu thị Tứ Sơn để mua đồ vì giá cả hợp lý”. Điều này cho thấy, phát triển kinh tế biên mậu là một trong những kênh tiêu thụ tốt hàng nội địa.

Nhằm kích cầu tiêu dùng, tỉnh An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối, giao thương. Điển hình là phiên chợ cuối tuần sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền với nhiều phiếu mua hàng ưu đãi đang tạo nhiều sức hút đối với đông đảo người tiêu dùng.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh ở mọi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tỉnh An Giang có cơ hội trở thành trung tâm đầu mối lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thúy Hạnh

Trong xu hướng tiêu dùng xanh ở mọi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tỉnh An Giang có cơ hội trở thành trung tâm đầu mối lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thúy Hạnh

Ông Lâm Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý sự kiện siêu thị Tứ Sơn cho biết: “Bằng một hóa đơn 500 ngàn đồng khi mua sắm tại siêu thị, khách hàng sẽ nhận được nhận thêm 30 ngàn đồng nếu mua bằng tiền mặt. 30 ngàn tiền mặt để mua các sản phẩm OCOP, các đặc sản của doanh nghiệp tham gia chương trình”.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết: “Thông qua số lượng người mua sắm tại siêu thị, chúng tôi giúp cho doanh nghiệp quảng bá được hình ảnh, các sản phẩm đến với người tiêu dùng để thêm tin tưởng vào sản phẩm OCOP của các tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm các hệ thống khác”.

An Giang cũng là địa phương làm tốt công tác bình ổn thị trường, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Với nhiều cách làm năng động, địa phương này đặt mục tiêu sớm vượt mốc 85 ngàn tỷ đồng về doanh thu bán lẻ trong 2 quý cuối năm.

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh sẽ đạt bình quân 7%/năm; tỷ trọng trong GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20%, công nghiệp – xây dựng khoảng 25%, dịch vụ khoảng 50%, GRDP bình quân đầu người trên 157 triệu đồng, kinh tế số chiếm trên 20% GRDP. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh An Giang sẽ phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững. Tỉnh cũng là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN, bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.

Một trong những mục tiêu đột phá phát triển của tỉnh An Giang, đó là ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, nhà đầu tư vào các lĩnh vực đột phá phát triển. Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình dự án. Với khát vọng phát triển, tỉnh An Giang sẽ luôn chào đón các nhà đầu tư bằng lòng nhiệt tình, sự thân thiện, cởi mở để cùng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà”.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-giang-giu-vai-tro-trong-diem-ve-kinh-te-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-post478891.html