An Giang khởi công tuyến đường liên kết vùng hơn 2.000 tỉ đồng
Cầu Châu Đốc và tuyến đường liên kết vùng hoàn thành sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ và hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng.
Ngày 28-3, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu thuộc dự án dự án Xây dựng Tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 2.100 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh An Giang. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp làm Chủ đầu tư dự án.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.
Dự án có tổng chiều dài tuyến là 20,96km gồm phần tuyến chính dài 17,519km và phần các tuyến kết nối vào đường tỉnh 953 và đường tỉnh 951 dài 3,441 km
Đây là công trình giao thông, cấp I. Mặt cắt ngang nền đường tuyến chính đoạn 1 (Km0+000 đến Km7+000) có bề rộng nền đường là 22m, trong đó mặt đường xe chạy là 14m (4 làn xe). Đoạn 2 (km7+000 đến cuối tuyến) có bề rộng nền đường là 12m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m (2 làn xe). Tuyến có 03 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu trong đó có cầu Châu Đốc dài cầu 667m.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến Thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp là một trong những công trình giao thông lớn và có ý nghĩa rất quan trọng của tỉnh An Giang cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Việc khởi công dự án là một trong những cột mốc, dấu ấn quan trọng, khi công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo nên một trong những khâu đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025 của tỉnh đã đề ra.
Khi cầu Châu Đốc nói riêng và tuyến đường liên kết vùng nói chung hoàn thành sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang) và hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút khách du lịch đến với An Giang và là đòn bẩy trong phát triển kinh tế và mời gọi đầu tư của tỉnh, tiếp tục đánh thức lòng tin mạnh mẽ của doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá.