An Giang làm cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp

Cùng với các tỉnh trong khu vực, An Giang đang làm cuộc 'cách mạng' trong nông nghiệp bằng việc đăng ký tham gia Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng vùng ĐBSCL đến năm 2030' (viết tắt là đề án).

Lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, nông dân tham gia sơ kết đề án cùng chụp ảnh lưu niệm

Lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, nông dân tham gia sơ kết đề án cùng chụp ảnh lưu niệm

Quyết liệt

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023. Quan điểm được nêu trong đề án này là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh, thúc đẩy thực hiện các cam kết của Chính phủ tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP 26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

An Giang là một trong những tỉnh đi đầu được Ban Chỉ đạo đề án chọn để triển khai. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2024 - 2025; giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030. Ngay khi có chủ trương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp nhanh chóng tham gia, bởi tính hiệu quả của đề án. “Đến thời điểm này, An Giang đã xây dựng được 22 mô hình, với diện tích 8.500 ha. Đến năm 2030, diện tích tham gia thực hiện đề án sẽ tăng lên 152.000ha” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Hiệp chia sẻ.

“Chúng tôi thấy rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện đề án tại An Giang. Để làm được việc này, lãnh đạo tỉnh cần nhanh chóng xuống đồng ruộng để cùng nông dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở thành người “thực chiến” như mong muốn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đề án trên đồng ruộng An Giang…” - ông Khưu Bá Phúc (nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) kiến nghị.

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Thanh Lâm xuống đồng cùng nông dân trong triển khai đề án ở địa bàn

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Thanh Lâm xuống đồng cùng nông dân trong triển khai đề án ở địa bàn

Hiệu quả

An Giang đang hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia bởi tính hiệu quả từ đề án này. “Hiệu quả mang lại từ đề án, trước hết, lượng giống trung bình giảm 67kg/ha, năng suất lúa tăng 100kg/ha; lợi nhuận bình quân tăng từ 3,6 - 5,3 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất giảm từ 4.100 đồng xuống còn 3.100 đồng/kg … Quan trọng hơn là đề án đã có tác động giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất theo hướng bền vững, thuận thiên, tuân thủ theo một quy trình sản xuất một cách nghiêm ngặt” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp khẳng định.

Đặt vấn đề vì sao đề án là một cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp trên đồng ruộng ở ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, cuộc “cách mạng” là vì khi nông dân tham gia, tư duy sản xuất của bà con sẽ thay đổi, chuyển từ một nền nông nghiệp sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, có nhiều ngành, tổ chức hợp tac xã và tổ hợp tác tham gia. Qua đó, xây dựng được hệ thống canh tác lúa mang tính thuận thiên, bền vững, phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu.

Cuộc “cách mạng” này nhằm chứng minh rằng, cây lúa tại ĐBSCL vẫn phát triển hiệu quả, đời sống nông dân không ngừng được nâng lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến đổi thị hiếu tiêu dùng. Để đề án được triển khai thành công, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị lực lượng cán bộ khuyến nông, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp phải là người “thực chiến” trên đồng ruộng, cùng nông dân tìm giải pháp để thực hiện thành công đề án này. An Giang cần nhanh chóng tạo dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt, nhanh chóng vào cuộc tham gia cùng các bên; sẵn sàng tư vấn, phản biện cho lãnh đạo, cho đề án trong quá trình triển khai, thực hiện. Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế chia sẻ để các bên cùng nhau phát triển, các bên có được lợi nhuận để cùng cộng đồng trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh An Giang nhanh chóng tiếp cận đề án, hỗ trợ vốn cho các bên tham gia. Để làm được điều này, các bên cần nhanh chóng ngồi lại với nhau để tính toán việc cân bằng lợi ích, trách nhiệm, theo hướng hợp tác để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Riêng An Giang đã từng có một thời trở thành lá cờ đầu của cả nước trong đổi mới tư duy lý luận, cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, vai trò điều hành của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp. Tinh thần đó cần phải được phát huy trong việc triển khai “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

“Chúng ta chỉ làm mà không có bàn, bởi việc triển khai đề án là rất cần thiết cho ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam. Phải bắt tay làm ngay vì tính hiệu quả của đề án mang lại. Các bên tham gia trong chuỗi lúa gạo, gồm: Nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - Nhà nước cần đẩy mạnh liên kết cho thật chặt. Muốn vậy, ngoài cơ chế chính sách, còn phải có nguồn vốn để thực thi. Ngày nào doanh nghiệp, nông dân chưa tiếp cận được vốn thì ngày ấy đề án triển khai sẽ chưa nhanh được” – ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) chia sẻ.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-lam-cuoc-cach-mang-trong-san-xuat-nong-nghiep-a411935.html