An Giang nâng cao chất lượng, cùng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững

Mặc dù kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 gây tác động lớn, bằng quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn và sự vận hành linh hoạt của hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo đối thoại doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,02% so với năm 2018, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 110,2% so với dự toán và 111,8% so với năm 2018; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 31.887 tỷ đồng, tăng 1.708 tỷ đồng so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 890 triệu USD, tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước; đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt.

Tỉnh cũng đã kịp thời xây dựng Kế hoạch phòng, chống đại dịch COVID-19, với sự phối hợp đồng bộ, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Chỉ số năng lực canh tranh (PCI) của tỉnh năm 2019 đã tăng 7 bậc so với năm 2018. Trên 99% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn.

Hai ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang là nông nghiệp và du lịch đều phát triển thuận lợi. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện và thay đổi theo hướng tích cực, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong mức tăng 7,02% GRDP, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,82%. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt gần 3,92 triệu tấn, trong đó sản lượng nếp và các giống lúa chất lượng đạt khoảng 1,050 triệu tấn, tăng 73.700 tấn so với năm trước. Sản lượng thủy sản cả năm đạt 532.600 tấn, tăng 9,41% so với cùng kỳ.

Trước yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, ngành cá tra từng bước nâng cao chất lượng nguyên liệu, đồng thời tăng cường chuỗi liên kết gắn doanh nghiệp với người nuôi, nên sản lượng tiếp tục tăng, đạt 412.000 tấn. Về du lịch, số lượng du khách đến An Giang tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2018. Các khu du lịch trọng điểm như Núi Sam, Núi Cấm, Trà Sư, Cù Lao Giêng tiếp tục được quan tâm đầu tư, quy hoạch phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được phát triển cả lượng và chất, tăng cường số cơ sở lưu trú được phân hạng từ 1 sao trở lên.

Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoàn thiện “Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang - tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững”. Bên cạnh đó, Lãnh đạo tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tỉnh An Giang cũng thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư không phải bằng mọi giá mà chọn lọc những dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển kinh tế theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”. Trong đó, nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực mũi nhọn, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực khác.

An Giang xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Hiện nay, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai gần 5 năm và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 bắt đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đối với du lịch, An Giang phấn đấu trở thành điểm du lịch quốc gia mang nét riêng về văn hóa - con người, xây dựng thương hiệu du lịch An Giang uy tín, chất lượng và đầy cạnh tranh. Tỉnh đang huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du khách trong đó ưu tiên bốn loại hình đặc trưng: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, du lịch sông nước; tham quan di tích văn hóa lịch sử. Tỉnh An Giang cũng đang xin chính sách hỗ trợ đầu tư hướng đến các dự án phát triển dịch vụ du lịch như: Xây dựng cơ sơ lưu trú du lịch, xây dựng nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ du lịch, khai thác du lịch sông nước và phát triển du lịch cộng đồng,…

Với quan điểm doanh nghiệp là hạt nhân phát triển kinh tế, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 – 2025, đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể từng lĩnh vực và đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế với nhiệm vụ “xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, thông thoáng, thân thiện; minh bạch chính sách, xóa hết rào cản, tạo thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất kinh doanh”.

Ngoài ra, tỉnh An Giang còn ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ logistics, khoa học công nghệ,… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30-50% so với quy định theo phương châm “trách nhiệm, thân thiện, một cửa” và tiết kiệm chi phí làm thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất của Nhà nước; hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao… nhằm tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất.

Nguyễn Thanh Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-giang-nang-cao-chat-luong-cung-doanh-nghiep-huong-den-phat-trien-ben-vung-118265.html