An Giang ngày mới
Năm 2023 đầy biến động đang hối hả trôi qua, nhường chỗ cho những ước mong, hy vọng tốt đẹp của năm 2024. Dĩ nhiên, thách thức, bất lợi vẫn sẽ xuất hiện, nhưng không thể cản bước tiến của chúng ta.
Nền tảng năm cũ
Năm 2023, khó khăn chồng chất, nhưng kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh An Giang vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (trong đó có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt). Những thành quả cơ bản, quan trọng này là nền tảng vững chắc để An Giang hoàn thành tốt mục tiêu phát triển KTXH năm 2024, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,34%. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động; du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo động lực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên. Tỉnh tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, chính trị, hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế.
Các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Hội nhập và hợp tác quốc tế được mở rộng.
Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chuyển biến tích cực… Những kết quả đạt được trong năm 2023 là động lực để An Giang nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.
Bứt phá năm mới
Dự báo năm 2024, tình hình KTXH có nhiều điểm sáng mới, nhờ Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Các hoạt động liên kết trong vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, mở rộng quy mô; cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả hơn.
Đây cũng là năm đặc biệt quan trọng, bứt phá thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội mới mở ra. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH lan tỏa, tác động tích cực, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Tình hình quốc tế lẫn trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đó, đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thực hiện các mục tiêu đề ra, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm.
Theo Nghị quyết 48/NQ-HĐND, ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh, mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tỉnh tập trung vào 2 đầu mối lớn: Đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cùng với đó, chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 của tỉnh gồm 15 chỉ tiêu. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,27 - 70,88 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 47.867 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1.185 triệu USD; thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Mong đợi những điều mới
Nhơn Hội (huyện An Phú) là xã biên giới, dân tộc, tôn giáo, có đường biên giới gần 6,5km với Vương quốc Campuchia. Dù được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư, nhưng địa phương còn nhiều khó khăn hiện hữu. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội Cao Xuân Điệu trăn trở: “Chúng tôi rất mong Trung ương, địa phương tăng cường chính sách, nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm; tập trung đầu tư phát triển khu vực biên giới, triển khai xây dựng cầu kết nối giao thương giữa Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, xây dựng mô hình khu dân cư gắn với đường tuần tra biên giới, để người dân có nơi ở ổn định, bám trụ biên giới sinh sống, giữ gìn lãnh thổ Tổ quốc, tạo thế trận quốc phòng - an ninh kiên cố, vững chắc tuyến đầu”.
Nông dân Hoa Sĩ Hiền (58 tuổi, ngụ xã Tân An, TX. Tân Châu) phấn khởi khi nghe đến Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Nhiều năm trút cạn lòng mình cho hoạt động nghiên cứu giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ông gửi gắm mong mỏi: “Nông dân An Giang mình giỏi lắm, lai tạo nhiều giống lúa “ngon xuất sắc”, vang danh khắp nơi.
Nhưng điểm yếu của chúng ta là chưa mở rộng thị trường, chưa biết mang thương hiệu “đi đánh xứ người” một cách vang dội. Chúng tôi sẵn lòng góp sức cùng nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu tìm ra giống lúa phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Chỉ mong sao, kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi, chuyển giao đến tận tay nông dân, cùng đồng loạt sản xuất, gầy dựng vùng lúa chất lượng cao tại quê mình”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo đồng chí Lê Văn Phước, để hoàn thành các mục tiêu năm 2024, An Giang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thông hiệu quả không gian tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, hỗ trợ nông dân đạt lợi nhuận bình quân trên 35%, tăng diện tích sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại tỉnh…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị, theo 25 nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua vào cuối năm 2023, các đơn vị, địa phương tập trung phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KTXH; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.
“Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội, nhất là phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững của tỉnh; thường xuyên nắm chắc tình hình lao động, việc làm; bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động. Chuẩn bị phương án, kế hoạch vận động, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết Giáp Thìn 2024” - đồng chí Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
Ngày mới, tháng mới, năm mới đã cận kề, đồng nghĩa với việc mang đến sinh khí mới và quyết tâm mới. Hãy để chuyện buồn, những gì chưa tròn trịa ở lại cùng năm cũ, xốc vác tinh thần cho năm 2024 đầy khởi sắc, tươi sáng!
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2024, góp phần đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn; quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đề ra, nghị quyết, đề án, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đã ban hành. Đặc biệt là thực hiện 3 khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên từng lĩnh vực.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-ngay-moi-a384172.html