An Giang phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ và cần thêm những cây cầu

An Giang là cửa ngõ sông Mekong đổ vào miền Tây (sông Hậu), là vùng đất trù phú nhưng về giao thông còn nhiều trắc trở cần đầu tư.

Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Phú Tân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang.

Có vẻ như đặc điểm về giao thông ở An Giang khác nhiều tỉnh. Thưa ông, khác biệt đó là gì?

Trước hết, đó là giao thông thủy - bộ đan xen. Khoảng 80% khối lượng hàng hóa trong tỉnh được vận chuyển bằng đường thủy. An Giang cũng không có đường bộ cao tốc nối trực tiếp với TP.HCM như các tỉnh khác. Đường sắt, đường hàng không cũng chưa. Mặt nào đó thì đây là bất lợi.

An Giang có nhiều sông rạch nên việc kết hợp giao thông thủy - bộ trong vận tải là điều rất cần thiết Ảnh: Báo An Giang

An Giang có nhiều sông rạch nên việc kết hợp giao thông thủy - bộ trong vận tải là điều rất cần thiết Ảnh: Báo An Giang

Trong các năm qua, lãnh đạo tỉnh An Giang rất quan tâm và luôn ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tuy với đặc thù vùng có nền đất yếu nhưng bằng sự quyết tâm của cả bộ máy chính trị, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện. Hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối với các tỉnh trong vùng cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay có 4 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 153km. Đó là QL91 đi qua địa phận Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên dài 93km, QLN1 đi qua Châu Đốc - Hà Tiên, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang có chiều dài 23 km, QL91C đi qua địa phận thành phố Châu Đốc - huyện An Phú 35,5km và QL80 đi qua địa bàn huyện Thoại Sơn dài 1,5km.

Có 19 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài là 530km và hệ thống đường giao thông nông thôn rộng khắp, phủ kín các làng xã với tổng chiều dài hơn 4.238km.

Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên toàn tỉnh hiện có: 18 tuyến do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 365km; 22 tuyến do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 512 km; 278 tuyến do huyện quản lý với tổng chiều dài 1.823km; một tuyến đường thủy chuyên dùng với chiều dài 3km. Một số tuyến chính gồm: Sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, kênh Rạch Giá - Long Xuyên...

Đường thủy, đường bộ trong tỉnh đan xen và hỗ trợ cho nhau trong vận chuyển hàng hóa là nét khác biệt lớn ở An Giang.

Trong tương lai, quy hoạch hạ tầng giao thông của An Giang như thế nào để phát huy hiệu quả giao thương và kết nối với vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long?

An Giang kết nối với Cần Thơ qua QL91, cầu Vàm Cống; Kết nối với Đồng Tháp qua cầu Cao Lãnh. Khi cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (Đồng Tháp) hình thành, An Giang cũng được hưởng lợi kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến N2.

Ông Nguyễn Phú Tân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT An Giang trình bày tổng thể quy hoạch hạ tầng giao thông và vận tải của tỉnh tầm nhìn đến năm 2050

Ông Nguyễn Phú Tân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT An Giang trình bày tổng thể quy hoạch hạ tầng giao thông và vận tải của tỉnh tầm nhìn đến năm 2050

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 2605/QĐ-UBND ngày 8/11/2021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã định hướng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Những nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch này gắn liền với những đề xuất mà chúng tôi đang trình Bộ Giao thông vận tải.

Trước hết là tranh thủ Bộ sớm công nhận QL80B đi qua địa phận tỉnh An Giang (bao gồm các tuyến ĐT942, ĐT954 và ĐT952 với chiều dài khoàng 90km) để tạo hành lang phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực Nam Sông Tiền.

Kế đến là đề xuất Bộ ủy thác toàn tuyến QL91 đi qua địa phận tỉnh An Giang (93km) cho địa phương quản lý, để chủ động trong công tác quản lý, bảo trì và đảm bảo ATGT cho tuyến. Hiện tại, Sở Giao thông vận tải đang nhận ủy thác 16km đoạn tuyến từ Km51 - Km67, qua nội ô thành phố Long Xuyên.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư xây dựng dự án tuyến tránh QL91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong khu vực.

Cuối cùng là kiến nghị Bộ sớm đầu tư 4 công trình cầu: cầu Tân Châu - Hồng Ngự bắc qua sông Tiền thuộc tuyến N1; cầu Vàm Nao bắc qua sông Vàm Nao trên tuyến QL80B; cầu Tôn Đức Thắng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Long Xuyên với khu tưởng niệm Bác Tôn và Cầu Năng Gù bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Phú Tân và huyện Châu Phú.

Đây là những phần việc cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh, nhất là khi giao thông Đồng bằng sông Cửu Long đang được Bộ GTVT dồn lực đầu tư nhiều, đồng bộ để tăng sức kết nối vùng, khơi dậy tiềm năng đặc biệt lớn ở “vùng đất chín rồng”.

Trọng tâm trong thời gian tới là những phần việc cụ thể nào, thưa ông?

Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh, kết nối với quốc lộ và cao tốc.

Tiếp tục thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Vì như đã nói, giao thông thủy là đặc điểm ở An Giang nên cầu - trong đó có cầu nông thôn là hạng mục rất quan trọng.

Phê duyệt dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua tỉnh An Giang

Phê duyệt dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua tỉnh An Giang

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xã hội hóa hoàn thành tối thiểu 160 cầu giao thông nông thôn trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đang tích cực cho dự án đầu tư cầu Tôn Đức Thắng, vừa là góp phần phát triển kinh tế xã hội, vừa thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc An Giang với Bác Tôn kính yêu.

Bộ GTVT đang phân bổ nguồn vốn làm hạ tầng giao thông về cho địa phương. Sở cùng Ban Quản lý dự án của tỉnh sẽ phối hợp để có phương án quản trị và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này ra sao?

Hiện nay, một số công trình giao thông trọng điểm được Trung ương bố trí vốn đầu tư trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND tỉnh An Giang giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh thực hiện vai trò chủ đầu tư và đang tổ chức triển khai thực hiện.

Sở Giao thông vận tải với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương sẽ phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các dự án theo đúng quy định.

Song song đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng, quy hoạch xây dựng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp có thể gây ra thất thoát, lãng phí và quyết tâm đảm bảo hiệu quả đầu tư trong xây dựng.

Xin cảm ơn ông!

Tình hình ATGT, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường được quan tâm

Theo ông Nguyễn Phú Tân, tình hình ATGT thời gian qua có chuyển biến tích cực, đại đa số người dân tham gia giao thông đều có ý thức và chấp hành tốt các quy định về ATGT. Mặc dù vậy vẫn có những diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách từ các nơi đến tham quan các khu du lịch trên địa bàn tỉnh có số lượng khá lớn. Đây là tín hiệu rất tốt cho ngành du lịch của tỉnh nhà, nhưng qua đó cũng kéo theo sự gia tăng tình trạng mất ATGT so với các năm trước.

Hiện tại, các ngành chức năng cũng đang nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục bên cạnh tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tổ chức các buổi tuyên truyền còn là duy tu, bảo dưỡng đường sá.

Theo đó, với những vị trí cấp bách đều bố trí vốn, nhân lực và có kế hoạch thi công đảm bảo an toàn giao thông, từ sửa chữa đường sá, dặm vá ổ gà đến trang bị phao tiêu, biển báo, đèn tín hiệu…

Tuy nhiên, với nhu cầu về vốn bảo trì thực tế cần rất lớn, trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng được một phần (khoảng 30%), nên công tác duy tu bảo dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đồng bộ và êm thuận.

"Dù vậy, Sở GTVT và Ban ATGT tỉnh luôn đề cao trách nhiệm, một mặt đảm bảo hạ tầng giao thông an toàn, một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân, cán bộ công chức, viên chức về ý thức tham gia giao thông an toàn, văn hóa, văn minh", ông Tân cho biết.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/an-giang-phat-huy-loi-the-giao-thong-thuy-bo-va-can-them-nhung-cay-cau-d584067.html