Mùa vui trên biên cương Hướng Phùng

Bắt đầu từ vụ Đông-Xuân 2022-2023 và vụ Hè-Thu năm 2023 đến nay, nhờ gieo trồng thành công giống lúa, giống ngô mới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị và Tập đoàn ThaiBinh Seed, tỉnh Thái Bình hỗ trợ nên người dân Vân Kiều trên xã biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã làm nên những mùa vàng no ấm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Giống lúa mới của chiến sĩ Biên phòng

Xã Hướng Phùng có 1.638 hộ gồm 6.125 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm trên 55% và hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 35%. Là địa phương có diện tích ruộng lúa nước 155,1ha và hơn 5ha trồng hoa màu, song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên năng suất thấp, sản lượng bình quân chỉ đạt khoảng 100 đến 150kg cho mỗi sào ruộng có diện tích 500m2. Người dân chỉ sản xuất vụ Đông-Xuân, còn vụ Hè-Thu thì bỏ hoang ruộng cho cỏ dại mọc.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế về kỹ thuật, nguồn hạt giống lúa bản địa bị thoái hóa, chọn lựa, bảo quản không tốt, cây lúa sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém, mỗi khi gặp thời tiết bất lợi, lúa thường không phát triển, lép hạt... nên năng suất rất thấp và thường xuyên bị mất mùa.

Nắm bắt tình hình thực tế trên, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã liên hệ với Tập đoàn ThaiBinh Seed hỗ trợ cán bộ trực tiếp vào tận nơi nghiên cứu, khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thủy lợi... để chuyển đổi giống lúa khác phù hợp với vùng đất và tập quán sản xuất của người dân. Sau thời gian khảo sát, tổ chức các hội nghị bàn luận về vấn đề chuyển đổi giống lúa cho bà con, đơn vị đã cùng với UBND xã Hướng Phùng báo cáo đề xuất Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho đồn cùng với xã xây dựng mô hình “Chuyển đổi giống cây trồng năng suất, chất lượng cao”, đồng thời gieo thử nghiệm bộ đôi lúa giống TBR97, TBR 225 vào vụ Đông-Xuân 2021-2022 tại 2 hộ gia đình anh Hồ Văn Khưn và anh Hồ Văn Phoi ở thôn Bụt Việt trên diện tích 10 sào (5.000m2). Với đặc điểm tối ưu về kháng sâu, bệnh, chịu đựng tốt sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, nên ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, 2 giống lúa mới này đã cho năng suất trên 300kg/sào, cao gần gấp đôi giống lúa cũ.

Thấy gia đình Hồ Văn Phoi và Hồ Văn Khưn trồng được giống lúa cho năng suất cao lại đỡ bớt thời gian chăm sóc nên bà con các thôn Cheng, Chênh Vênh, Bụt Việt, Xary... đã trực tiếp đến Đồn Biên phòng Hướng Phùng đề nghị tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật canh tác. Đáp ứng yêu cầu của bà con, 1.050kg lúa giống các loại TBR36, TBR97, TBR225, TBR239, nếp A Sào đã được đơn vị cùng Tập đoàn ThaiBinh Seed trao tặng cho người dân. Chị Hồ Thị Hiền, 44 tuổi, thôn Bụt Việt chia sẻ trong niềm vui: “Từ khi gieo trồng giống lúa mới của các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Hướng Phùng hỗ trợ, gia đình mình thu hoạch được nhiều lúa hơn. Trước đây, mình chỉ làm một vụ thôi, nay mình làm được 2 vụ, vì thế mà mình không còn phải lo thiếu cái ăn như ngày trước nữa”.

Tiếp nối thành công của cây lúa, giống ngô nếp sản lượng cao cũng góp mặt để Hướng Phùng đa dạng hơn về cây nông nghiệp. Nhận thấy vùng đất Hướng Phùng không chỉ phù hợp với cây lúa cho năng suất cao, mà còn có thể phát triển giống ngô nếp được lai tạo với nhiều đặc tính nổi trội như: Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 65 đến 70 ngày cho một chu kỳ, kháng sâu bệnh tốt, chịu được hạn hán nên Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã tiếp tục phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed và cùng các thành viên trong Hợp tác xã Chân Mây, xã Hướng Phùng hỗ trợ giống cho 2 hộ gia đình làm thí điểm trên diện tích 1.000m2. Sau 65 ngày, cây ngô đã cho thu hoạch và bán với giá 5.000 đồng/bắp ngô tươi, sau khi trừ mọi chi phí, 2 hộ gia đình đã lãi 7 triệu đồng/hộ.

Một địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm ngô nếp giống mới của người dân sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Một địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm ngô nếp giống mới của người dân sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Làm nên những mùa vàng no ấm

Sau một ngày cùng với bà con thôn Bụt Việt thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân 2023-2024, Thiếu tá Bằng đưa tôi đến cánh đồng thôn Cheng. Thường phải đến khi con trăng tròn của tháng 10 âm lịch hàng năm thì bông lúa trên rẫy cao mới chuyển màu trẫy hạt và người dân dựng chòi cất những hạt lúa sau khi tuốt về, thế nhưng, vụ mùa này người dân ở thôn Cheng đã không còn phải “bò” lên những tấm rẫy trên sườn non cao để tuốt từng hạt lúa, mà họ chỉ ra thửa ruộng cách thôn khoảng chừng hơn 3km gặt về những “hạt vàng” của vụ mùa bội thu. Sự mạnh dạn bỏ rẫy về ruộng trồng các giống lúa, ngô, dưa.... cho năng suất cao, giá trị dinh dưỡng tối ưu và định danh sản phẩm hàng hóa thương mại đã viết nên một trang sử mới trong đổi thay phương thức sản xuất của người dân thôn Cheng sát với đường biên Tổ quốc.

Đứng trên bờ ruộng ngắm nhìn bà con gặt những bông lúa trĩu hạt, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ: “Là địa phương có diện tích ruộng nước khá nhiều, nhưng người dân chỉ gieo trồng vụ Đông-Xuân và chủ yếu sử dụng nguồn giống kém chất lượng nên lúa phát triển kém, lép hạt, năng suất thấp, mất mùa..., từ đó dẫn đến không đủ lương thực để ăn. Trăn trở cùng người dân, đơn vị chúng tôi đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống lúa, ngô mới cho năng suất cao và người dân đã tin tưởng làm theo, bây giờ đã có 41 hộ canh tác trên diện tích 115,5ha lúa cho năng suất từ 350 đến 400kg/vụ/sào và 6ha ngô cho lãi ròng trên 40 triệu đồng”.

Nghe những lời Thiếu tá Bằng chia sẻ, tôi thầm cảm ơn về những gì mà những người lính Biên phòng đã làm cho bà con Vân Kiều nơi vùng đất phên dậu Tổ quốc. Nhìn những gương mặt rạng ngời của người dân hòa trong sắc vàng ươm của lúa, xanh tươi của núi non, tôi khắc sâu nét cười mãn nguyện của người dân Vân Kiều nơi đây về một mùa no ấm đang xua đi đói nghèo cơ cực.

Đào Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-vui-tren-bien-cuong-huong-phung-post477650.html