An Giang phát huy thế mạnh võ cổ truyền
Những năm qua, võ cổ truyền là một trong những môn võ thuật phát triển bậc nhất trên địa bàn tỉnh An Giang, với hàng ngàn võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Phong trào phát triển đã giúp bộ môn võ cổ truyền tỉnh có điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển chọn những vận động viên (VĐV) có tố chất đào tạo, huấn luyện, nhằm duy trì thành tích cao tại các giải đấu trong nước…
Phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền duy trì hoạt động rất hiệu quả, các điểm trường, nhà văn hóa, UBND xã, thị trấn…, thu hút hơn 3.000 võ sinh, chủ yếu là học sinh, sinh viên tham gia tập luyện. Một số địa phương có CLB võ cổ truyền phát triển mạnh và đạt thành tích cao tại các giải trong tỉnh, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Tri Tôn…
Bạn Lê Hoàng Trung (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) cho biết: “Em tập luyện môn võ cổ truyền hơn 3 năm. Tập luyện võ không những rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập tốt hơn mà còn giúp em trang bị những kỹ năng tự vệ trước các tình huống nguy hiểm”.
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng cao về số lượng và đòi hỏi về chất lượng, đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên các CLB võ thuật được chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng. Ngoài ra, các võ sinh thường xuyên tham dự các kỳ thi thăng đẳng để nâng cao trình độ chuyên môn.
“Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn để cập nhật kiến thức và các bài tập mới, chúng tôi còn phải tự trau dồi nâng cao trình độ của bản thân, để có những bài giảng chất lượng, giúp các võ sinh dễ tiếp thu hơn” - anh Hữu Cảnh (huấn luyện viên CLB võ cổ truyền, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) chia sẻ.
Các vận động viên võ cổ truyền tích cực tập luyện
Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức giải võ cổ truyền cấp tỉnh, với quy mô và chất lượng chuyên môn tăng dần qua từng năm. Qua đó, tạo điều kiện cho các VĐV có cơ hội thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật, góp phần phát triển phong trào võ thuật tại địa phương. Đồng thời, còn là cơ hội tốt để các bộ môn tuyển chọn những nhân tố triển vọng, có tố chất, bổ sung vào đội năng khiếu.
Hiện nay, bộ môn võ cổ truyền tỉnh duy trì tập luyện đều ở 3 tuyến, với lứa VĐV có tuổi đời trẻ, chuyên môn khá tốt. Các bộ môn võ thuật tập trung đổi mới phương pháp huấn luyện, nhằm nâng cao thể lực và kỹ thuật, chiến thuật cho VĐV một cách khoa học, bài bản… góp phần nâng cao thành tích cho các VĐV, nhất là các VĐV trẻ, năng khiếu. Ngoài việc duy trì thế mạnh ở các hạng cân đối kháng nữ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đang tích cực đào tạo các VĐV đối kháng nam, đặc biệt là các nội dung quyền, nhằm hướng đến sự đa dạng các nội dung khi tham gia các giải toàn quốc, giúp bộ môn đạt nhiều thành tích cao.
Bộ môn võ cổ truyền tỉnh rất chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, trẻ để bổ sung lực lượng VĐV chất lượng và có chiều sâu cho tuyến tuyển. Trong đó, tập trung rà soát, tuyển chọn, tìm kiếm những nhân tố xuất sắc, đầu tư có trọng điểm, giúp các VĐV đạt thành tích tại các giải toàn quốc, hướng đến các giải đấu châu lục, thế giới.
Sau thời gian chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo VĐV trẻ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh từng bước khẳng định vị thế của mình tại các giải khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, các VĐV trẻ thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi được tạo điều kiện thi đấu, tiêu biểu có thể kể đến, như: Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Phú Quí, Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Lưu Thị Phương Thảo, Trịnh Minh Trí…
Bài, ảnh: KHÁNH MY
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phat-huy-the-manh-vo-co-truyen-a303543.html