An Giang phát triển giáo dục thể chất và thể dục - thể thao học đường
Những năm qua, công tác giáo dục thể chất và thể dục - thể thao (TDTT) trường học được các cấp, ngành chú trọng triển khai thực hiện với nhiều đổi mới về nội dung, phong phú về hình thức. Qua đó, góp phần đào tạo con người mới phát triển toàn diện và tạo môi trường thuận lợi để phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ.
Thường xuyên tổ chức giải thể thao học sinh
Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) An Giang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, vai trò và tác dụng của giáo dục thể chất, thể thao trường học.
Qua đó, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện về sức khỏe, thể chất, trí tuệ cho học sinh, sinh viên. Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, bảo đảm cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học. Đồng thời, cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh hình thành và duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên, gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh.
Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động TDTT trong nhà trường. Cơ sở vật chất, sân tập và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc giảng dạy và học giáo dục thể chất, thi đấu TDTT trong trường học từng bước được đầu tư. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm chương trình giáo dục thể chất, trong đó có trên 83% đơn vị tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Các loại hình câu lạc bộ TDTT trong trường học được phát triển đa dạng, với những bộ môn thể thao theo nguyện vọng, sở thích của học sinh, sinh viên. Nhiều môn TDTT, như: bơi lội, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá… được đưa vào các hoạt động ngoại khóa.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Sở GD&ĐT cùng các ngành, địa phương tăng cường thực hiện kế hoạch phổ cập bơi của chương trình bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước trong hoạt động giáo dục lối sống, kỹ năng sống và trong giảng dạy các môn học.
Ngoài ra, tích cực phối hợp các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của bơi lội; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cơ bản của bơi lội và phương pháp cấp cứu cho hướng dẫn viên cơ sở, giáo viên giáo dục thể chất, cán bộ văn hóa xã, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Bên cạnh đó, phối hợp lựa chọn các trường có đủ điều kiện để tổ chức mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”, tiến tới thực hiện đồng loạt việc đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa tại các trường học có điều kiện trong những năm tiếp theo.
Hàng năm, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hội thao, giải thể thao cấp tỉnh. Ngoài ra, các trường còn tổ chức các giải thể thao vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, để các em được giao lưu, nâng cao sức khỏe. Nổi bật nhất là Hội khỏe Phù Đổng các cấp đã góp phần tạo sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, giáo dục toàn diện cho học sinh.
Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện và thi đấu TDTT trong học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên. Ngành GD&ĐT tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, quan tâm đầu tư trang thiết bị, sân chơi để phục vụ nhiệm vụ giáo dục thể chất cũng như các hoạt động TDTT trong nhà trường. Đồng thời, đổi mới phương pháp giáo dục thể chất; đa dạng các hoạt động tổ, nhóm, câu lạc bộ thể thao trường học và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động TDTT ngoại khóa, nhằm phát triển toàn diện các tố chất của học sinh.