An Giang phát triển kinh tế đối ngoại
An Giang có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài khoảng 100km. Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế ở An Giang đã phát huy sức mạnh, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương. Thông qua xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức đoàn công tác làm việc trong và ngoài nước, tỉnh đã tranh thủ kết nối và tăng cường thúc đẩy có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả công tác ngoại giao kinh tế
Quan hệ hợp tác đối ngoại của tỉnh luôn đặt trọng tâm hướng đến tăng cường 3 trụ cột chính của công tác đối ngoại tại địa phương, là: Ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa. Các hoạt động ngoại giao, lãnh sự của tỉnh ngày càng tăng về lượng và chất. Thông qua các chuyến thăm ngoại giao, lãnh sự của các nước, tỉnh đã tranh thủ quảng bá tiềm năng, thế mạnh địa phương, tìm kiếm cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với sự quan tâm từng đối tác. Đồng thời, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa tỉnh và các cơ quan này ngày càng chặt chẽ.
Nhiều chương trình, dự án đã được các cơ quan này giới thiệu, tài trợ. Việc hoàn thành các thủ tục xuất, nhập cảnh cũng nhận được hỗ trợ tích cực từ các đơn vị. Số lượng các đoàn khách quốc tế đến tỉnh ngày càng tăng. Nhiều chương trình, dự án thiết thực, cụ thể đã được triển khai, góp phần phát triển KTXH địa phương.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ An Giang Huỳnh Công Huấn, từ năm 2011 đến nay, công tác ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào thành tựu đối ngoại và kinh tế của tỉnh. Thông qua tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, lồng ghép nội dung đàm phán xúc tiến dự án. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư.
Thời gian qua, ngoại giao kinh tế thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học - công nghệ, quản lý đô thị, thương mại - du lịch. Là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, ngoại giao kinh tế được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại. Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần lan tỏa hình ảnh An Giang đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh đã đón hơn 890 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, qua đó thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác từ các quốc gia.
Điểm nổi bật, tỉnh đã ký kết và thiết lập mối quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác lớn, như: Tỉnh Val d'Oise (Cộng hòa Pháp); TP. Pitea, Vaxjo (Vương quốc Thụy Điển); TP. Oss (Vương quốc Hà Lan); tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia); tỉnh Champasak và Savanakhet (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Nhiều thỏa thuận được ký kết và triển khai; nhiều chương trình hợp tác đã mang lại lợi ích thiết thực cho tỉnh trên lĩnh vực quy hoạch, đô thị, môi trường, phát triển bền vững, thu hút đầu tư...
Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã thu hút 46 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn cấp mới hơn 386 triệu USD. Lũy kế đến nay, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào An Giang với 38 dự án, tổng vốn đăng ký 283 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 8,71 tỷ USD. Hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu trên 105 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lượng khách tham quan, du lịch quốc tế đến An Giang tăng trưởng tốt, đạt 674.631 lượt người.
Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1,15 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 40 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 305,8 triệu USD. Năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương ngoài nước được giao trên 284 tỷ đồng cho 4 dự án ODA. Theo đánh giá của UBND tỉnh, các dự án từ nguồn viện trợ chính thức ODA và viện trợ phi Chính phủ NGO được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng đầu tư, nâng cấp, thay đổi diện mạo đô thị và hạ tầng, y tế, giáo dục của tỉnh.
Xúc tiến du lịch, đầu tư và thương mại quốc tế
Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, thực hiện các hoạt động đối ngoại, các sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Như phối hợp Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) tập huấn “Ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”...
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp xúc tiến nước ngoài, tiếp đón về An Giang để giới thiệu, khảo sát dự án, mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm. Sở Ngoại vụ phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Phần Lan tổ chức trực tuyến “Hội thảo tiềm năng tham gia dự án xử lý nước thải của Tập đoàn Operon, Phần Lan”, tìm hiểu cơ chế hoạt động của Quỹ đầu tư công Phần Lan và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xử lý nước thải.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, ngoại giao kinh tế kết hợp với ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính trị góp phần phát huy tối đa nội lực của địa phương về vị trí địa lý, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, nhân lực. Trong ngoại giao kinh tế, việc giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước đã mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho tỉnh, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức, cách triển khai ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch. Đặc biệt, tranh thủ mọi nguồn lực, lợi thế, đối ngoại đa phương, đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế - thương mại quốc tế... Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho KTXH phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phat-trien-kinh-te-doi-ngoai-a359517.html