An Giang phối hợp trong điều tra tai nạn lao động

Từ năm 2024, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh An Giang ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường trong công tác điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động (NLĐ) khi bị TNLĐ hoặc thân nhân của họ.

Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người, nguyên nhân xảy ra chủ yếu ở chủ sử dụng lao động và NLĐ. Trong đó, nguyên nhân do doanh nghiệp (DN)/người sử dụng lao động chiếm gần 50% tổng số vụ. Phổ biến là do công tác tổ chức, sắp xếp lao động làm việc không hợp lý; điều kiện làm việc xấu, tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; tăng ca, tăng giờ làm hoặc NLĐ làm công việc nặng, quá sức gây mệt mỏi dẫn đến lơ là, thiếu quan sát khi làm việc.

Bên cạnh đó, DN chưa xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với các máy, thiết bị hoặc các máy, thiết bị chưa kiểm định đúng theo quy định; chưa tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ; máy, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động, chưa thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định; không trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, trang cấp không đầy đủ hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm...

Nguyên nhân xảy ra TNLĐ do NLĐ chiếm khoảng 20% tổng số vụ. Các lỗi thường xảy ra, như: Vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động khi sử dụng các máy, thiết bị; không sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân; tự ý vận hành, sử dụng máy, thiết bị trong quá trình lao động khi chưa được phân công; chủ quan, bất cẩn khi làm việc nhất là khi đang vận hành, sửa chữa máy, thiết bị hoặc làm việc tại các khu vực nguy hiểm…

Còn lại khoảng 30% trên tổng số vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân: Tai nạn giao thông có liên quan đến lao động (NLĐ bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở); tai nạn do người khác gây ra hoặc tai nạn do khách quan khó tránh (NLĐ bị tai nạn khi làm việc tại DN mà nguyên nhân do các yếu tố có liên quan đến bệnh lý)…

Sân chơi giúp người lao động nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Sân chơi giúp người lao động nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Theo Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Trần Thu Nga, công tác điều tra TNLĐ đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt. Thời gian qua, hầu hết các vụ TNLĐ chết người hoặc TNLĐ có từ 2 người bị thương nặng trở lên đều được đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Khi nhận được thông tin về TNLĐ từ cơ quan cảnh sát điều tra hoặc khai báo TNLĐ từ DN/người sử dụng lao động, đoàn điều tra của tỉnh đã nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp chặt chẽ cùng với cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát nhân dân tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập thông tin, tài liệu về TNLĐ, cùng trao đổi, đánh giá ban đầu nguyên nhân xảy ra.

Sau khi kết thúc phối hợp điều tra ban đầu với cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát nhân dân, đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh có văn bản nhận định về TNLĐ gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra theo đúng quy định pháp luật, tích cực chia sẻ thông tin, hỗ trợ cung cấp các tài liệu, hồ sơ chuyên môn khi cần thiết. Từ đó, giúp cho đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận nhiều vụ TNLĐ được chính xác, khách quan và đúng quy định pháp luật, làm cơ sở giải quyết các chế độ cho NLĐ bị TNLĐ hoặc thân nhân của họ.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác phối hợp điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm giữa đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh và cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát nhân dân còn một số vấn đề khó khăn, hạn chế. Đó là việc nhận thông tin một số vụ việc chưa kịp thời, dẫn đến chưa phối hợp điều tra ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, gây khó khăn trong công tác điều tra.

Việc tiếp nhận hồ sơ TNLĐ từ cơ quan cảnh sát điều tra còn chậm, kéo dài dẫn đến thời gian điều tra ảnh hưởng quyền lợi của thân nhân NLĐ (chế độ bồi thường/trợ cấp, chế độ tử tuất…).

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp, nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác khai báo, điều tra TNLĐ, sớm giải quyết chế độ đối với người bị nạn và thân nhân của họ.

Nội dung quy chế phối hợp, gồm: 3 chương, 8 điều, quy định về nguyên tắc phối hợp điều tra các vụ việc TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm, dựa trên quy định của pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; tuân thủ Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định 39/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh An Giang, từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 648 vụ TNLĐ làm 709 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, 42 vụ TNLĐ làm chết người (48 người chết), 43 người bị thương nặng, thiệt hại trên 6 tỷ đồng và 1.821 ngày nghỉ do TNLĐ gây ra. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ TNLĐ làm 6 người chết.

HOÀI ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phoi-hop-trong-dieu-tra-tai-nan-lao-dong-a398357.html