An Giang: Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư
Kinhtedothi – Chính quyền tỉnh An Giang đang quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương. Theo đó, mục tiêu đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh bền vững trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quyết tâm cải thiện chỉ số CPI
Những năm trở lại đây, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh An Giang ngày càng giảm sút, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đang tồn tại nhiều dấu hiệu bất ổn. Chỉ số PCI năm 2022 giảm 37 bậc so với năm 2021, đứng thứ 54/63 tỉnh/TP. Trong khi đó, huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, qua đó tác động lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, UBND tỉnh An Giang đã đưa kế hoạch, định hướng quan điểm chỉ đạo, triển khai gồm: Đặt doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân là trung tâm cải cách, lấy sự hài lòng là giá trị cốt lõi để phục vụ, thực hiện cải cách thủ tục hành chính; Xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu và thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, thực chất và có hiệu quả.
Đồng thời, kiên định, nhất quán trong điều kiện bị tác động bởi nhiều phía, bên trong và bên ngoài. Việc gì thấy đúng, thấy trúng thì phải kiên định giải quyết nhanh chóng và thực hiện nghiêm túc; Quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nguyên tắc: trách nhiệm, hành động, minh bạch, chuẩn xác, tập trung; Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp với việc nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể, để tiến hành xây dựng các hoạt động mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả.
Quyết tâm khắc phục những vấn đề tồn tại
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay: Từ năm nay và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đang triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nghiêm túc khắc phục tình trạng không dám tham mưu, không dám đề xuất hoặc đề xuất không rõ ràng, đẩy cái khó lên cấp trên của một số cơ quan, đơn vị. Trong công tác tham mưu giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp tuyệt đối dựa trên nguyên tắc công bằng và chia sẻ, không đẩy cái khó cho doanh nghiệp, lấy phần dễ cho cơ quan Nhà nước hoặc ngược lại. Tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, ông Lê Văn Phước nhấn mạnh.
Qua đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI. Đồng thời, chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng” (sẵn sàng về mặt bằng, quỹ đất sạch; sẵn sàng cơ sở hạ tầng thiết; sẵn sàng nguồn lực hàng năm; sẵn sàng giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm giá trị cốt lõi và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát vị trí dự án đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh) để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các Sở, Ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung bám sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và của tỉnh. Kịp thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Quyết tâm khắc vực những vấn đề tồn tại như: Cải thiện chỉ số gia nhập thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập; Chỉ số tiếp cận đất đai và hạ tầng để nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án; Chỉ số tính minh bạch để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạn đó, cải thiện chỉ số chi phí thời gian nhằm tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Chỉ số chi phí không chính thức nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí việc làm gây khó khăn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng nhằm công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Chỉ số tính năng động nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Chỉ số đào tạo lao động nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh; Chỉ số thiết chế pháp lý và An ninh trật tự nhằm nâng cao lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tư pháp của tỉnh…