An Giang tập trung cải cách thủ tục hành chính
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh An Giang, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí thực hiện; TTHC giải quyết đúng và trước hẹn ở cả 3 cấp luôn đạt tỷ lệ cao. UBND tỉnh đã ban hành các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai hệ thống phần mềm 'một cửa', kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực, tạo thuận lợi trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; góp phần xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tính đến ngày 9/3, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương là 1.929. Năm 2022, tỉnh tiếp nhận và giải quyết 1.597.176 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 99,89%. Quý I/2023 tiếp nhận 149.183 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn 90,18%.
Thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm.
Cần rà soát, tham mưu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến. Triển khai các nhiệm vụ liên quan đến khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Chỉ đạo kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nội dung theo Đề án 06 và triển khai các phương thức sử dụng thông tin về cư trú phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công tại một số đơn vị, địa phương.
Nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện TTHC. Đồng thời, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu với các phần mềm ứng dụng chuyên ngành.
Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã thực hiện kết nối chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp dịch vụ xác thực thông tin công dân và tra cứu thông tin công dân (20 trường dữ liệu) để lấy những trường cần thiết tự động điền vào form thông tin người nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, hiện hệ thống chỉ kết nối và cung cấp dịch vụ “Xác thực thông tin công dân”, “Tra cứu thông tin công dân (chỉ khai thác được 9/20 trường dữ liệu)”, chưa cung cấp dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình” theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh, việc thực hiện còn khó, do bộ, ngành Trung ương chưa ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các TTHC có yêu cầu thông tin thành phần hồ sơ không nằm trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Văn phòng Chính phủ chưa hướng dẫn đánh giá TTHC đáp ứng yêu cầu xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ bố trí và cấp nguồn kinh phí cho Đề án 06 để đảm bảo nguồn lực, cũng như việc đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ. Đề xuất các bộ, ngành Trung ương sớm điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình nội bộ, quy trình điện tử có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC…
Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ do Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng làm Trưởng đoàn, vừa đến kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết TTHC tại An Giang. Theo đó, đoàn đã kiểm tra đột xuất tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP. Long Xuyên và xã Mỹ Khánh; xã Vĩnh Trạch, thị trấn Phú Hòa và việc thực hiện TTHC tại Công an thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn).
Qua kiểm tra, làm việc với UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Minh Hùng đánh giá cao tình hình thực hiện TTHC tại An Giang, nhất là tích cực triển khai các mô hình, sáng kiến CCHC mới. Tỉnh đã triển khai tốt các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về thực hiện TTHC, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Cụ thể, qua kiểm tra đoàn phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết TTHC, như: Khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư chưa hiệu quả, do công chức cấp xã chưa được tập huấn, lưu trữ số hóa hồ sơ điện tử chưa thực hiện đúng quy định; công chức cấp xã chưa được cấp chữ ký số; tỷ lệ giải quyết trực tuyến chưa cao; thống kê, tổng hợp chưa khoa học…
Qua đó, đề nghị tỉnh rà soát, chấn chỉnh, nhất là việc thực hiện TTHC tại cấp xã. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện TTHC đi vào thực chất hơn; tăng cường kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức kỹ năng giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nâng cao kỹ năng người dân trong thực hiện TTHC, khai thác hiệu quả tổ chuyển đổi số cộng đồng... để chuyển sang nền hành chính giải quyết công việc trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và người dân. Riêng các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh, đoàn công tác ghi nhận và sẽ phản ánh với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.