An Giang thực hiện đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo
Quý I năm 2021, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang đã tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đến hết quý I năm 2021, tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang đạt 3.670 tỷ đồng, tăng 277 tỷ đồng so đầu năm, trong đó, nguồn vốn trung ương tăng 260 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong quý I đạt 287 tỷ đồng, với 8.717 hộ được vay vốn từ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn. Tổng dư nợ ủy thác đạt 3.467 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 99,75% tổng dư nợ của chi nhánh), trong đó, dư nợ trung ương ủy thác qua hội đoàn thể 3.294 tỷ đồng (chiếm 95% tổng dư nợ ủy thác), dư nợ địa phương ủy thác qua hội đoàn thể 173 tỷ đồng (chiếm 5%/ tổng dư nợ).
Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp và duy trì đều đặn việc tổ chức họp giao ban của tổ chức hội với ngân hàng hàng tháng tại cấp xã; 2 tháng 1 lần tại cấp huyện và 3 tháng một lần tại cấp tỉnh. Đồng thời, tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện được 5/10 Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gồm: Tân Châu, Thoại Sơn, Phú Tân, An Phú và TP. Châu Đốc. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấn chỉnh công tác tham mưu, điều hành triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, kiểm tra hoạt động tổ giao dịch lưu động tại điểm giao dịch phường xã, chấp hành quy định về hạch toán các khoản thu, thanh toán chi phí hoạt động của đơn vị. Qua công tác kiểm tra, đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh các sai sót, hạn chế để các đơn vị khắc phục.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định về công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, quy trình, thủ tục, thông tin rộng rãi đến khách hàng vay tại các điểm giao dịch lưu động xã. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức giao dịch lưu động tại 156/156 xã, thị trấn, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại các điểm giao dịch. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo luôn được thực hiện đúng quy định. Tại Hội sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các phòng giao dịch luôn công khai lịch, nội quy tiếp công dân, cũng như mở đầy đủ các loại sổ sách giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định; thực hiện mở và quản lý hộp thư góp ý tại 156 điểm giao dịch cấp xã hàng tháng, trụ sở làm việc của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện hàng tuần.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong quý II năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các thành viên ban đại diện cần tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa việc giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Đối với nguồn tiền nhàn rỗi, các nguồn quỹ của tổ chức, cá nhân chuyển sang gửi hoặc ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước lưu ý các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện nghiêm chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch được phân công….