An Giang: Ứng dụng sáng tạo khoa học - kỹ thuật vào đời sống

Sau 13 lần tổ chức, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo trong công nhân, nông dân, các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là phong trào tuổi trẻ sáng tạo. Từ hội thi, ban tổ chức đã phát hiện nhiều tài năng sáng tạo, đồng thời ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Các tác giả đạt giải cao được tôn vinh, khen thưởng

Các tác giả đạt giải cao được tôn vinh, khen thưởng

Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIII (năm 2022 - 2023), hội thi năm nay thu hút 57 tác giả gửi về 57 giải pháp. Ban tổ chức đã chấm chọn tại vòng sơ khảo và chung khảo, kết quả đã trao giải thưởng cho 20 giải pháp đạt chất lượng, có tính sáng tạo và đột phá.

“Nhìn chung, hội thi được triển khai với hình thức thích hợp và thu hút đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, giảng viên đại học, giáo viên, sinh viên, công nhân, nông dân trong toàn tỉnh tham gia, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, thành phần kinh tế. Các lĩnh vực dự thi liên quan đến các hoạt động sản xuất và phù hợp yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh.

Đa số các giải pháp dự thi được hình thành từ thực tế trong quá trình học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất. Các giải pháp mang tính thực tiễn, có tính sáng tạo, có hiệu quả KTXH cao, tiết kiệm được thời gian, chi phí sản suất, tăng lợi nhuận, đồng thời làm tăng hiệu suất lao động, giảm ô nhiễm... được áp dụng vào thực tiễn” - ông Đoàn Ngọc Phả đánh giá.

Điển hình là giải pháp “Hệ thống đồ gá cắt plasma chép hình của anh Nguyễn Quốc Bình (nhân viên Công ty TNHH MTV Cơ khí Long Xuyên, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên). Chia sẻ về ý tưởng, anh Bình cho biết: “Tôi thấy hiện nay một số xưởng cơ khí, khi muốn cắt một chi tiết, thường vẽ hình đặt máy lên cắt, đó là phương pháp thủ công, tốn nhiều công sức lại có nhiều sai lệch.

Cho nên, tôi nghĩ ra giải pháp tạo một hệ thống đồ gá cắt plasma chép hình, ưu điểm của phương pháp là khắc phục được sự sai lệch chi tiết và giảm được thời gian, nhân công, tăng tính chính xác và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm được chi phí đầu tư vì không phải mua máy cắt CNC đến vài tỷ đồng”.

Hay giải pháp đạt giải nhất tại hội thi của anh Trần Trung Nguyên và Nguyễn Văn Hưng (Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, TP. Châu Đốc), với “Hệ thống ký số bệnh án điện tử bằng định danh vân tay và Blockchain” đã góp phần giảm bớt thời gian và chi phí quản lý của bệnh viện.

BS Trần Trung Nguyên cho biết: “Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh ứng dụng bệnh án điện tử từ năm 2019. Trong quá trình ứng dụng, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi phải mua hơn 600 chữ ký số cho các bác sĩ và nhân viên y tế, đồng thời tốn thêm chi phí, công sức và thời gian cho scan, lưu trữ bản giấy. Với giải pháp này, bệnh viện sẽ giải quyết được bài toán chữ ký số cho nhân viên y tế và vấn đề chữ ký số cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân.

Ngoài ra, chúng tôi đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên những kỹ thuật để xác định vân tay sẽ đem lại sự chính xác và hiệu quả cao hơn. Hệ thống sử dụng chuỗi khối Blockchain để ghi nhật ký giao dịch, đảm bảo tính minh bạch, bảo mật của hệ thống. Với giải pháp này, tôi hy vọng góp chút sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh”.

Hội thi còn ghi nhận nhiều ý tưởng sáng tạo trên các lĩnh vực khác, như: Nông dân Nguyễn Hùng Phong (huyện Phú Tân) đạt giải nhì với giải pháp “Thiết bị cán và nướng bánh kẹp tự động”; nông dân Nguyễn Hoàng Phong (huyện Châu Phú) với giải pháp “Máy cắt gốc rau muống lấy hạt”; nhóm giáo viên và học sinh của Trường THPT Nguyễn Khuyến với giải pháp “Tái chế bã mía và thân chuối thành chậu kiểng và lọ ươm cây, biến rác thành sản phẩm hữu ích, tạo vòng kinh tế tuần hoàn”. Ngoài ra, các giải pháp đạt giải khác mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống, như: Thiết bị sấy nông sản tiện dụng bằng năng lượng mặt trời, cụm thiết bị thông minh cho nhà vệ sinh, phần mềm học tiếng Khmer, thiết bị thông minh hỗ trợ cứu hộ trên biển…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Thái Thúy Xuân đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp sáng tạo của các cá nhân, tập thể đã mang lại những giải pháp mới mang tính đột phá, đóng góp vào sự phát triển trong sản xuất, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

Đồng thời mong rằng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phát động sâu rộng đến các đoàn thể địa phương, để hội viên, quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong tỉnh tham gia tích cực hơn.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp tạo thuận lợi, hỗ trợ để các hội viên, người lao động được tham gia thể hiện các ý tưởng sáng tạo tại đơn vị và tham gia các hội thi sáng tạo trong tỉnh, khu vực. Tiếp tục đổi mới hình thức tôn vinh và kiến nghị UBND tỉnh lựa chọn những giải pháp hay, sáng tạo thiết thực để đầu tư nhằm giúp các ý tưởng, giải pháp đi vào đời sống thực tế.

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-ung-dung-sang-tao-khoa-hoc-ky-thuat-vao-doi-song-a377414.html