Ẩn họa từ hồ trữ nước

Bù Đăng là huyện nông nghiệp, nhiều hộ dân thường đào các hồ sâu để tích trữ nước phục vụ tưới tiêu vào mùa khô. Tuy nhiên, cũng từ các hồ nước này, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ nhỏ. Điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng tránh đuối nước thiết thực, hiệu quả hơn, nhất là thời điểm các em đang bước vào kỳ nghỉ hè.

Nỗi đau khôn nguôi

Đã gần 3 tháng trôi qua, người dân ở thôn 9, xã Thống Nhất vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ đuối nước thương tâm khiến 2 cháu bé N.Đ.A (SN 2017) và N.N.U (SN 2020) tử vong. Và, đối với chị Nông Thị Hương, có lẽ cả cuộc đời còn lại cũng không thể nào quên buổi chiều định mệnh đối với 2 người con của mình. Thẫn thờ lau nước mắt, chị Hương kể: Ngày 27-3, vì bố mẹ bận đi làm nên 2 con rủ nhau qua nhà ông nội (cách đó gần 1km) chơi. Đến khoảng 17 giờ không thấy các con nên người nhà đi tìm thì phát hiện 2 con bị đuối nước thương tâm dưới hồ nước nhà hàng xóm, cách nhà ông nội khoảng 50m. Hồ nước này được người dân múc nhằm tích nước tưới cây vào mùa khô. Hồ sâu khoảng 5m, được lót bạt để tránh bị thấm nước nhưng không được rào chắn. Người lớn không biết bơi rớt xuống còn khó sống sót, nói gì đến trẻ nhỏ…

Những hồ tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được xem như “cái bẫy” chực chờ đối với các em nhỏ hiếu động - Ảnh: Như Nam

Mỗi lần nhớ con gái nhỏ mới tròn 18 tháng tuổi của mình, chị Trần Thị Vượng ở thôn 6, xã Bình Minh chỉ biết đem hình con ra ngắm. Ăn năn, hối hận khi vụ việc xảy ra ngay tại hồ nước gần nhà, chị Vượng kể lại, hôm đó 2 mẹ con chơi với nhau trong nhà, đến khoảng 16 giờ con đi ra sân, cứ nghĩ con chơi ở vườn như những lần trước. Không ngờ con mới 18 tháng tuổi đã biết chui qua lỗ hổng ngay cửa ra vào để đến bên hồ nước chơi. Mặc dù hồ nước đã được gia đình rào chắn bằng lưới B40 rất cẩn thận… Tôi hối hận vô cùng, chỉ một phút lơ là mà mất con mãi mãi.

Toàn huyện hiện có 41.977 trẻ em, chiếm 28,58% dân số. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 6 vụ đuối nước thương tâm, làm 8 cháu tử vong. Những năm qua, tình trạng trẻ em rơi xuống các hồ chứa nước tưới dẫn đến tử vong xảy ra khá phổ biến. Thực tế cho thấy, trong số 6 vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở trẻ nhỏ có đến 5 vụ liên quan đến các ao, hồ nước tưới tiêu của người dân.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Ðăng

Trách nhiệm không của riêng ai

Ông Trịnh Công Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Địa phương hiện có hơn 13.000 ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển qua trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt… Tuy nhiên, do hạn hán nên nhiều hộ dân đã đào các hố sâu để tích trữ nước, hầu như nhà nào trồng cây ăn trái cũng đào ít nhất 1-2 hồ chứa nước để phục vụ tưới tiêu vào mùa khô, điều này tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ nhỏ rất cao. “Các hồ nước này khá sâu, phía trong còn lót bạt, không riêng gì trẻ em, nếu người lớn không biết bơi mà rơi xuống cũng sẽ tử vong. Nguy hiểm là vậy nhưng nhiều gia đình vẫn xem nhẹ, có tâm lý chủ quan nên chưa có biện pháp rào chắn, bảo vệ cẩn thận” - ông Long cho biết thêm.

Trẻ em khu vực nông thôn đang thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích trong dịp hè. Trong ảnh: Trẻ em ở thôn 9, xã Thống Nhất vui đùa bên những trò chơi tự chế - Ảnh: Như Nam

Có thể thấy ngoài sông, suối thì ao, hồ dùng để tưới tiêu không được rào chắn cũng là những “cái bẫy” chực chờ đối với các em nhỏ vốn hiếu động. Trong khi đó, với đặc thù là huyện nông nghiệp, người dân thường xuyên đi rẫy, không thể theo sát con em mình mọi lúc, mọi nơi nên để các cháu tự trông coi lẫn nhau. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là dịp hè, những năm qua, huyện Bù Đăng đã chủ động phối hợp các ban, ngành triển khai nhiều biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước nhưng đa số do các em không biết bơi và chưa được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong khi đó, hiện nay, số lượng bể bơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, môn bơi lội chưa được đưa vào môn học chính thức trong trường học.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đăng cho biết: Để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là dịp hè, ngoài cảnh báo người dân cần rào chắn cẩn thận tại các khu vực hồ chứa nước để tưới cho cây trồng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, những hồ nước đã và đang được người dân rào chắn cẩn thận, giá như việc này được làm sớm hơn; giá như trẻ em khu vực nông thôn có nhiều sân chơi hơn nữa; giá như những ngày hè có thêm nhiều lớp phổ cập bơi cho trẻ… thì có lẽ các vụ tai nạn đuối nước thương tâm sẽ được giảm thiểu.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/158498/an-hoa-tu-ho-tru-nuoc