Ẩn họa từ những nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (bài 3)
Nhiều nhà xưởng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn về phòng, chống cháy nổ. Hằng ngày, người dân nơi đây một mặt đối diện với thực tế công việc kinh doanh, sản xuất nhưng cũng không khỏi nơm nớp lo sợ vì không biết hỏa hoạn có thể xảy ra lúc nào và hậu quả sẽ ra sao?
Nhà xưởng không phép “mọc lên như nấm sau mưa”
Thời gian qua, tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện của TP Hà Nội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Có những vi phạm kéo dài qua các thời kỳ, đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn chỉ ra từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích.
Tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng nổi cộm phải kể đến một số xã của huyện Thạch Thất như: xã Hữu Bằng, Phùng Xá, Tiến Xuân... Liên quan đến vấn đề trên, ngày 12/3/2021, Thanh tra TP Hà Nội ban hành Văn bản số 993/TTTP-P6, kết luận hàng loạt vi phạm về đất đai, xây dựng còn tồn tại trên địa bàn huyện Thạch Thất. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản đôn đốc xử lý, khắc phục vi phạm nhưng chính quyền địa phương dường như rất bị động trong công tác xử lý, chỉ đạo khắc phục. Sau thời điểm thanh tra, nhiều vi phạm thậm chí còn phình to hơn, có nơi vi phạm về đất đai, xây dựng lại tái diễn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Tiến Xuân hay Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), tình trạng vi phạm nhà xưởng, kho sản xuất trên đất công, đất nông nghiệp diễn ra một cách tràn lan. Đặc biệt, dù phát hiện vi phạm nhiều năm qua nhưng những tồn tại này đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng.
Ông Cấn Văn Huy (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) cho biết, hầu hết nhà xưởng ở đây đều được xây dựng trên đất nông nghiệp và không hề có phép. Hiện chỉ có một số ít xưởng đang được chuyển đổi. Còn lại đều vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng là nhu cầu thực tế của làng nghề và sự tồn tại này có tính kế thừa nên chính quyền cũng tạo điều kiện. Thời gian gần đây, rất ít nhà xưởng được xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Dũng (ở xã Hữu Bằng) cho biết, mới đây, một số nhà xưởng được dựng lên liền bị chính quyền vào xử lý. Tuy nhiên, có những nhà xưởng bị “gọi tên” nhưng họ vẫn “án binh bất động”, không chịu thực hiện việc tháo dỡ. Thậm chí, có những vụ việc tố cáo nặc danh vì nhà này làm được nhưng nhà khác làm lại bị dỡ khiến cho chính quyền không khỏi đau đầu.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, toàn xã hiện có hơn 3.000 nhà xưởng và hộ gia đình sản xuất kinh doanh làng nghề liên quan đến đồ gỗ. Đa phần nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Tuy nhiên, nguyên nhân do tồn tại cũ và không có phát sinh mới. Nếu có phát sinh mới về vi phạm trật tự xây dựng, xã kiên quyết xử lý và xử lý một cách quyết liệt.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Trường, xã đã thống kê và báo cáo đến Sở TN&MT các trường hợp vi phạm. Theo rà soát và kết luận của Sở TN&MT Hà Nội, xã có khoảng gần 400 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp và hơn 500 trường hợp vi phạm đất công. Các trường hợp này vi phạm trước ngày 1/7/2014.
“Ngày 4/11, lực lượng chức năng do UBND huyện chủ trì đã ra quân và xử lý 33 công trình nhà xưởng vi phạm trên đất nông nghiệp. Các công trình này chủ yếu được xây dựng từ năm 2011 trở về trước. Sau khi giải tỏa các công trình vi phạm, huyện bàn giao cho địa phương quản lý để thực hiện dự án xây dựng Trường THCS Hữu Bằng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, UBND huyện tiếp tục chủ trì cưỡng chế 11 công trình nhà xưởng để triển khai dự án xây dựng Trường Tiểu học Hữu Bằng”, ông Nguyễn Hữu Trường thông tin.
Không chỉ xã Hữu Bằng, tại địa bàn xã Tiến Xuân dù nhà xưởng được xây dựng với mật độ không dày như Hữu Bằng nhưng quy mô những nhà xưởng tại đây được xây dựng với diện tích rất lớn. Nhiều nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có diện tích từ vài trăm thậm chí vài nghìn m2. Điển hình như một số khu nhà xưởng nằm trên địa bàn thôn Miễu, sát với Viện Thủy lợi hay trường dạy lái…
Ngày 16/11, trao đổi với phóng viên, ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, huyện Thạch Thất cũng chủ trì tổ chức cưỡng chế và tháo dỡ nhà xưởng có diện tích rất lớn của ông Chu Văn Ân xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Thời gian tới, nhiều nhà xưởng vi phạm cũng sẽ bị xử lý.
Sống chung với nỗi lo hỏa hoạn
Thời gian qua, số lượng các vụ cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội không ngừng gia tăng, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí nhiều vụ hỏa hoạn mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả gây chết người. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận và nhiều câu hỏi đã được đặt ra, vì sao những nhà xưởng này lại được xây dựng trái phép mà không hề bị chính quyền và cơ quan chức năng xử lý? Việc này chẳng khác nào chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP Hà Nội.
Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, nguyên nhân những tồn tại về PCCC còn nhiều vấn đề tồn tại là do ý thức chấp hành quy định về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về PCCC còn những hạn chế nhất định.
Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC&CNCH.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Vũ Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC& CNCH Công an huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn xã Hữu Bằng có hơn 3.000 nhà xưởng và chiếm 80% xây dựng trái phép. Hầu hết các nhà xưởng đều không được thẩm định thiết kế nghiệm thu về PCCC vì được xây dựng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các phương án PCCC được các chủ cơ sở thực hiện theo hướng dẫn để kịp thời xử lý khi xảy ra hỏa hoạn.
Thời gian gần đây, tại xã Hữu Bằng liên tục xảy ra hỏa hoạn nhưng rất may đã được phát hiện kịp thời và vận dụng công tác chữa cháy tại chỗ nên các vụ hỏa hoạn được dập tắt, không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, đối với “giặc lửa” thì cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả như thế nào thì luôn là điều bí ẩn.
Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, mới đây, UBND TP Hà Nội giao Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm đang tồn tại chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình. Cùng với đó, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC của UBND cấp huyện, cấp xã theo quy định…
Với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1920 ngày 17/6/2021 đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục các vi phạm quy định về PCCC đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng, ban hành Kế hoạch số 151 (ngày 18/6/2021) về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm...
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Có thể thấy, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, hàng nghìn nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã khiến cho chính quyền không khỏi đau đầu. Vậy đâu là nguyên nhân. Phải chăng những sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng xuất phát từ sự buông lỏng quản lý từ chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng để lại những hệ lụy khôn lường.