Ẩn họa từ những 'quả bom nước' trên nóc khu tập thể cũ

Sinh sống tại khu nhà tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Lan (53 tuổi) cho biết, mỗi năm trôi qua, số bồn nước được các hộ dân sinh sống tại đây tự lắp đặt lại tăng lên. Việc lắp đặt bồn nước không theo một quy chuẩn nào tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

 Bồn nước trên tầng thượng khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội)

Bồn nước trên tầng thượng khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội)

Theo bà Lan, người dân trước đây đều phải lấy nước từ bể chung của khu tập thể để sinh hoạt. Tuy nhiên, theo thời gian, chất lượng bể chứa xuống cấp, nước lại phải bơm theo giờ, cộng với không gian sinh hoạt tại khu tập thể thường nhỏ hẹp nên người dân đã lắp đặt bồn để trữ nước.

"Người này lắp kéo theo người khác cũng lắp, có hộ lắp 2 cái nên hiện tại, tầng thượng của khu tập thể có đến cả trăm bồn nước. Việc lắp đặt bồn nước cũng không theo một quy chuẩn nào khi có hộ chỉ dùng những thanh sắt mỏng, thậm chí chèn gạch, thanh gỗ để cố định nên chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như có gió bão", bà Lan chia sẻ.

Khảo sát của phóng viên Báo PNVN tại một số khu nhà tập thể tại Hà Nội như: Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)... cho thấy, để cung cấp và dự trữ nước sinh hoạt cho gia đình, hầu hết hộ gia đình sinh sống tại đây đều lắp đặt bồn nước inox. Những bồn nước này có dung tích khoảng 1.000-1.500 lít, được cố định bằng giá đỡ gắn trên phần mái, vách tường của tòa nhà.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, những bồn nước tại các khu nhà tập thể cũ không nằm trong kết cấu, thiết kế của ngôi nhà. Trước đây, khi xây dựng các khu nhà tập thể, người ta xây dựng các đài trữ nước cao.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Theo thời gian, các đài trữ nước này bị hỏng, hệ thống cấp nước cũ nên người dân tiến hành lắp đặt các bồn để trữ nước, gây nguy cơ mất an toàn. Ông Ánh cho rằng, thay vì lắp đặt bồn nước tùy tiện, người dân cần tập trung lắp đặt các bình lớn hoặc những giàn lớn có thể chứa được nhiều bình tại vị trí chắc chắn, đảm bảo kết cấu, đảm bảo an toàn không chỉ về tải trọng tĩnh mà còn phải thích ứng được với mùa mưa bão.

"Cần có hướng dẫn, quy chế quản lý và biện pháp của chính quyền địa phương trong từng khu tập thể, từng trường hợp", ông Ánh cho biết.

Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Hà (Công ty TNHH Xây dựng công trình Đại Nam) cho rằng, việc đặt, lắp các thiết bị, bồn chứa nước trên các nóc nhà có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu của tòa nhà như gây nguy cơ sụt lún, nứt, gãy, vỡ, bong tróc…

Ngoài ra, tại các khu tập thể cũ có mái chéo, độ cứng đã hao mòn theo thời gian, vị trí chịu lực không còn bằng nhau. Nếu gặp phải mưa bão lớn có thể gây gãy chân khung lắp đặt dù đã có gia cố.

Theo lãnh đạo UBND phường Thành Công (quận Ba Đình), mặc dù nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn nhưng cơ quan chức năng không thể cấm người dân lắp đặt bồn nước trên nóc nhà. Nếu cấm thì người dân không có nước dùng vì bể chứa nước cũ đã không hoạt động.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn xây dựng, lắp đặt bồn nước trên cao, vị trí lắp, đơn vị giám sát cũng như chế tài xử lý. Vì vậy, những năm gần đây, UBND phường Thành Công áp dụng biện pháp vận động người dân không lắp thêm bồn nước.

Hàng năm, chính quyền phường cũng có văn bản gửi tổ dân phố vận động người dân chằng buộc, giữ chặt bể nước trên nóc nhà, tránh bị rơi xuống trong mùa mưa bão; đồng thời vận động người dân lắp nằm, không lắp bồn nước cao vượt mái.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/an-hoa-tu-nhung-qua-bom-nuoc-tren-noc-khu-tap-the-cu-20240729155333195.htm