Ẩn họa từ việc trẻ em làm pháo tự chế
Thời gian gần đây, các địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc trẻ em lên mạng xã hội tìm hiểu, đặt mua hóa chất rồi về làm pháo tự chế. Hiểm họa về pháo tự chế luôn hiện hữu một khi thiếu sự quản lý, giám sát từ cha mẹ.
Trong chuyến công tác gần đây tại xã Phú Cần (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), chúng tôi được cán bộ Công an xã cho xem các chất hóa học vừa thu giữ từ nhà em T.H.H.Đ. (12 tuổi). Em Đ. tìm hiểu và đặt mua gần 3 kg chất hóa học này trên mạng để tự chế tạo pháo nổ.
Em Đ. kể: “Con lên TikTok thấy có một trang bán tiền chất chế tạo pháo nên đặt mua. Còn công thức làm pháo thì tìm hiểu trên TikTok và YouTube. Con mua 2 đợt: đợt đầu là hơn 251 ngàn đồng, đợt sau 197 ngàn đồng. Tiền thì bố mẹ cho ăn sáng và con để dành rồi mua. Con chế tạo pháo rồi rủ các bạn đến đốt pháo… cho vui”.
Điều đáng nói, trong suốt quá trình em Đ. chế tạo pháo tại nhà và đốt pháo, cha mẹ em không hề hay biết. Chị H.T.M. (mẹ của em Đ) nói: “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, không để ý tới con. Biết Đ. chế tạo pháo, tôi cũng hoảng hồn”.
Còn ông Kpă Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần thì cho biết: “Ngoài trường hợp trên, cách đây hơn 10 ngày, tại địa bàn xã cũng xảy ra 1 vụ tai nạn liên quan đến trẻ em làm pháo tự chế. Trong quá trình trộn hóa chất, nhồi thuốc, pháo tự chế nổ đã làm dập nát bàn tay trái của 1 em nhỏ.
Thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về hệ lụy của hành vi nguy hiểm này; phối hợp với các trường học tuyên truyền cho học sinh hiểu rõ về tác hại của pháo tự chế”.
Theo Đại úy Đinh Thanh Bình-Phó Trưởng Công an xã Phú Cần: “Các bậc phụ huynh và nhà trường cần chú trọng giáo dục cho các em nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của pháo nổ; hành vi chế pháo hoặc mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Quản lý việc lên mạng internet và việc chi tiêu tiền tiêu vặt của con em.
Ngoài tai nạn thương tích thì chế tạo pháo còn là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán pháo nổ; mức xử phạt vi phạm hành chính và có thể xử phạt tù từ 1 đến 15 năm tùy tính chất, mức độ vi phạm”.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn thương tâm khiến 1 trẻ em tại xã Dun (huyện Chư Sê) tử vong và nhiều trẻ em khác bị thương tích nặng nề do làm pháo tự chế.
Để mọi gia đình vui xuân, đón Tết an toàn, đẩy lùi tai nạn do pháo nổ gây ra, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, chính quyền các địa phương thì rất cần sự cộng đồng trách nhiệm từ gia đình trong việc quản lý, giám sát và giáo dục con em.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/an-hoa-tu-viec-tre-em-lam-phao-tu-che-post305303.html