An Khê: Hội thảo khoa học 'Quần thể di tích ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An'

Ngày 17-5, UBND thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý cho hồ sơ khoa học 'Quần thể di tích ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An'.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND thị xã An Khê; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của thị xã và các nhà khoa học, nhân chứng trên địa bàn xã.

Quần thể di tích Tây Sơn Nhì-Cửu An gồm: 12 điểm gắn với hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn, không còn kiến trúc vật chất như Gò Gieo, Gò Cà, Gò Dư, Gò Đám Bí thuộc khu sản xuất; Trường Đẫm, Sân Voi, Sân Trâu thuộc Khu Chăn Nuôi; Gò Đồn, Vườn Lính, Rừng Bắn, Gò Trại thuộc khu luyện quân; Mễ Kho thuộc kho lương thực. 2 điểm gắn với hoạt động di cư và giao thương, không còn kiến trúc vật chất: Chợ Phiên, Trạm Gò. 6 điểm còn kiến trúc tín ngưỡng cộng đồng như đình Cửu An, dinh Bà (miếu An Điền, miếu An Điền Bắc) và các miếu An Bình, An Thạch, An Phước, An Điền Nam. Các điểm di tích này được phân bố trên địa bàn xã Cửu An, Xuân An và phường An Phước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh

Khu sản xuất, khu chăn nuôi, khu luyện quân, kho lương thực gắn với sự kiện anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ lên Tây Sơn Nhì thuộc Tây Sơn Thượng đạo khai hoang lập ấp chuẩn bị lương thảo, quân binh trước khi chính thức phát động cuộc khởi nghĩa. Chợ Phiên, Trạm Gò gắn với hoạt động di cư và giao thương của những người Kinh thời kỳ đầu đến đây khai khoang lập làng, buôn bán, làm ăn. Các đình, miếu gắn với quá trình tụ cư, định cư, mở rộng địa bàn sản xuất canh tác và tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn.

Trong số các di tích thuộc quần thể Tây Sơn Nhì-Cửu An, các chứng tích có niên đại cổ xưa nhất hiện còn tồn tại là bức bình phong trước dinh Bà (khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và kiến trúc miếu An Bình với một số di sản văn tự tồn tại trên các hoành phi, câu đối và hiện vật được tạo tác trong khoảng thời gian từ năm 1920-1930. Bên cạnh đó, cư dân địa phương còn giữ được nhiều tín ngưỡng, tập tục văn hóa tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn của người đời sau đối với công lao của các tiền nhân, tinh thần "tương thân tương ái" và ước vọng của người dân gửi gắm đến các vị thần linh.

Thông qua hội thảo, thị xã An Khê sẽ điều chỉnh, bổ sung thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của di tích.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202205/an-khe-hoi-thao-khoa-hoc-quan-the-di-tich-ap-tay-son-nhi-cuu-an-5776960/