Ẩn khuất sau những cuộc ly hôn ở tuổi xế chiều
Cùng nhau lèo lái 'con thuyền hôn nhân' suốt mấy mươi năm, khi gần đến tuổi bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời thì họ lại bỏ tay chèo. Thông thường đằng sau những câu chuyện ly hôn ở tuổi xế chiều là bi kịch với bao cảnh éo le, sự thật đau lòng, oái ăm… mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Muốn sống thanh thản ở tuổi cuối đời
Việc bà Q nộp đơn xin ly hôn khiến hàng xóm bất ngờ, con cái giật mình thảng thốt, bởi vợ chồng bà Q là hình mẫu của gia đình trí thức, hạnh phúc và thần tượng của các con. Mới hơn 2 tháng trước, bà Q còn chính tay nấu nướng, tổ chức mừng sinh nhật 60 tuổi của chồng trước sự ngưỡng mộ của bao người. Từ con cái, người thân đến hàng xóm, chẳng bao giờ nghe vợ chồng bà to tiếng hay cự cãi nhau, nhất là người chồng luôn có thái độ ân cần, nhỏ nhẹ cưng con và chiều vợ hết cỡ. Còn xét về kinh tế, gia đình bà thuộc diện dư dả, thường giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Hiện tại, hai con của bà đều lập gia đình, có công việc ổn định và cũng rất hiếu thảo với cha mẹ. Vậy thì lý do gì, chồng vừa nghỉ hưu, bà Q lại quyết định ly hôn, phá vỡ một gia đình viên mãn?
Theo bà Q đó là cuộc hôn nhân chịu đựng vốn đã tan vỡ từ lâu. Hơn 20 năm nay, những gì bà Q đối với chồng là cái nghĩa nhưng chồng đối với bà là sự giả tạo để giữ hình tượng và “tiếng thơm” với thiên hạ cùng con cái. Thật ra, cuộc sống hàng ngày của ông bà cũng như hai người ở trọ chung nhà mà ông chính là ông chủ. Về đến nhà có bà phục vụ việc giặt giũ, cơm bưng, nước rót. Rồi ông lại đến nhà những cô nhân tình nhỏ trong vòng bí mật. “Tôi đã muốn ly hôn từ lâu, nhưng vì nghĩ cho các con, vì thể diện của mình, gia đình mà nín nhịn. Giờ các con đã thành đạt, đứa nào cũng có gia đình riêng. Nay tôi đã lớn tuổi, không chịu nổi cuộc sống giả tạo này nữa. Ai cười thì cứ cười, tôi muốn sống thật thanh thản tuổi cuối đời” - bà Q chia sẻ.
Còn bà V (65 tuổi) đã khóc hết nước mắt và mong chờ tòa sớm cho ly hôn để có được một ít tài sản lo cho tuổi già. Theo lời kể của bà V, từ khi về chung sống với chồng hơn 40 năm, bà chưa biết một ngày hạnh phúc là gì. Xưa kia, cha mẹ bà cứ tưởng gả con cho gia đình khá giả để được nương nhờ tấm thân, nào ngờ bà như “kẻ ăn người ở” trong chính ngôi nhà mình. Trong suy nghĩ của ông, việc lo ruộng vườn, nhà cửa là trách nhiệm, bổn phận của vợ và sẵn sàng sỉ nhục, dạy dỗ vợ bằng chân, tay. Bà sợ cha mẹ phiền lòng, hàng xóm dị nghị nên chịu đựng từ tóc còn xanh đến nay tóc đã bạc và nó như một thói quen hiện hữu.
Bởi do lam lũ quá nhiều, bước qua tuổi 50, bà V có nhiều bệnh tật mà chồng chẳng hề ngó ngàng và thẳng thừng tuyên bố, tất cả tài sản trong nhà, ruộng đất là của ông (cha mẹ cho ông); bà về nhà chồng tay trắng thì giờ cũng trắng tay. Người ta thường nói “của chồng công vợ”, cả tuổi thanh xuân bà V hết lòng vì chồng mà giờ phải nhận cái kết quá đắng. Uất ức, bà tìm đến người tư vấn và quyết định ly hôn để giải thoát, bảo vệ quyền lợi bản thân. Trong thời gian chờ tòa giải quyết, bà V đã khăn gói nương tựa cửa chùa, làm công hỏa mà thấy cuộc sống vẫn ý nghĩa hơn so với quãng đời bên cạnh người chồng nhẫn tâm…
Thực tế, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và mỗi cuộc ly hôn ở tuổi xế chiều đều có những nỗi niềm chất chứa riêng, chỉ có người trong cuộc mới thấm thía.
Khó hòa giải đoàn tụ ở tuổi xế chiều
Theo ông Phạm Quang Nhuận - Chánh án Tòa án nhân dân TX. Ngã năm (Sóc Trăng), án hôn nhân gia đình trên địa bàn rơi nhiều vào độ tuổi từ 20 - 35. Việc ly hôn ở độ tuổi trên 50 không nhiều (chiếm không quá 10% lượng án hôn nhân gia đình), thường liên quan đến việc phân chia tài sản và phụ nữ thường là nguyên đơn. Qua theo dõi, những năm gần đây, có dấu hiệu tăng số lượng các cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 50) muốn ra tòa ly hôn. Nguyên nhân do nhận thức về mặt tinh thần, do dân chủ trong đời sống hôn nhân ngày càng thoáng hơn và tính cách độc lập của cá nhân, sự phát triển kinh tế, công việc, môi trường làm việc mới… Họ xác định rằng không còn tình cảm nữa thì cũng không muốn liên quan gì đến người dù đã chung sống với nhau gần suốt cuộc đời. Khi thụ lý vụ việc, tòa án luôn làm đúng thủ tục, trách nhiệm, không phân biệt tuổi nào, giới nào. Ly hôn dù ở tuổi nào cũng liên quan, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, con cái, xã hội nên hòa giải là khâu rất quan trọng để hai bên bình tâm nhìn nhận lại mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, hầu như các án hôn nhân gia đình ở độ tuổi 50 trở lên khó lòng hòa giải đoàn tụ, vì phần lớn họ ly thân nhiều năm trước khi quyết định ly hôn.
Thông thường những cuộc ly hôn ở tuổi trẻ luôn khiến người trong cuộc cảm thấy tiếc nuối, day dứt khôn nguôi, còn khi đã ở tuổi xế chiều, đó dường như lại là cảm giác giải thoát, nhẹ nhõm. Bởi một khi những mâu thuẫn gia đình đã âm ỉ, dai dẳng suốt những tháng năm dài, nay được mở trói, ai trong số họ cũng tự tìm ra được lối đi của riêng mình. Tuy vậy, nếu sự cởi trói này đến sớm hơn từ hai phía, để những mái đầu không pha quá nhiều sợi bạc, để những vết hằn trên khóe môi, đuôi mắt không còn là kẻ thù của thời gian, thì chắc chắn cuộc ly hôn đó sẽ ít nước mắt hơn rất nhiều. Trong những cuộc ly hôn tuổi xế chiều, không phải chỉ người phụ nữ chịu thiệt thòi bởi họ đã đánh mất cả tuổi thanh xuân cho cuộc hôn nhân này mà cả những người đàn ông cũng khó tránh khỏi tuổi già phải sống trong nỗi cô đơn.