Án lệ đã đem lại chiến thắng lịch sử cho cộng đồng LGBT Hoa Kỳ như thế nào? (tiếp theo và hết)
Trước kia, mối quan hệ tình ái giữa những người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Hoa Kỳ thường bị xã hội kì thị và pháp luật cấm đoán. Cho đến năm 2015, với phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép các cặp đồng giới trên toàn bộ 50 bang kết hôn theo quy định trong Hiến pháp nước này đã mang lại hạnh phúc cho cộng đồng LGBT ở đất nước này.
Như đã phản ánh ở kỳ trước, mọi bất công và khác biệt trong việc công nhận hôn nhân đồng giới tại Mỹ chính thức chấm dứt vào ngày 26/6/2015, sau khi Tòa án Tối cao nước này đưa ra phán quyết lịch sử: “Hôn nhân đồng tính vừa được hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ”. Phán quyết này có được là nhờ vụ kiện lịch sử của cặp đôi đồng tính Obergefell và John Arthur với ông Craig Hodges, giám đốc của Sở Y Tế tiểu bang Ohio.
Đây là một vụ án đặc biệt, bởi nó là sự kết hợp của 4 vụ tranh tụng tại 4 tiểu bang khác nhau tại Ohio, Kentucky, Michigan và Tennessee diễn ra từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2014, nhưng có cùng nội dung đòi hủy bỏ các đạo luật tiểu bang ngăn cấm hoặc không công nhận quyền tự do kết hôn giữa những người đồng tính.
Cụ thể, 3 vụ án khác kết hợp cùng sự việc của Obergefell và John Arthur lần lượt như sau: Tại Michigan, các cô April Deboer và Jayne Rowse đã chung sống với nhau hơn 10 năm và muốn kết hôn để có thể làm đơn xin con nuôi. Nhưng họ khi đó lo sợ rằng, nếu chẳng may một trong hai người qua đời sớm, thì người sống sót còn lại cùng con cái sẽ không còn được phép đoàn tụ dưới một mái nhà vì luật ở Michigan không công nhận hôn nhân đồng tính.
Một cặp khác là hai anh Ijpe DeKoe và Thomas Kostura đã kết hôn tại New York. Sau khi anh DeKoe đã phục vụ tại chiến trường Afghanistan và trở lại nước Mỹ, họ đã dọn về sống ở tiểu bang Tennessee. Nhưng ở đây chính quyền không công nhận giấy giá thú của họ đã được ký kết tại tiểu bang New York, do đó họ cũng không được công nhận quyền lợi của một cặp vợ chồng chính thức. Sau cùng là cặp Pam và Nicole Yorksmith sau khi đã kết hôn tại San Francisco họ dọn về sống tại tiểu bang Kentucky.
Một hôm đứa con nuôi 4 tháng của họ bị lên cơn hen suyễn khiến cô Pam phải vội vàng đưa cháu bé đến nhà thương nằm trong biên giới của Ohio. Trên giấy khai sinh của đứa bé chỉ có tên người mẹ là Nicole, nên nhân viên ở bệnh viện không nhận lời của cô Pam là người mẹ thứ hai của cháu bé.
Do đó, bệnh viện đã không chấp nhận chữ ký của Pam để cho các bác sĩ và y tá điều trị theo như luật pháp yêu cầu. Sau đó, nhân viên bệnh viện đã phải vất vả trong hơn 1 giờ đồng hồ để tìm cách liên lạc cho bằng được với cô Nicole để nghe lời chấp thuận trước khi có thể điều trị, trong lúc đứa bé đang lên cơn nguy kịch vì hen suyễn.
Do đó, hai cô đã nộp đơn kiện chính quyền Kentucky để tránh một trường hợp rắc rối tương tự sẽ có thể gây ra nguy hiểm cho con cô. Đồng thời, họ cũng muốn giúp cho nhiều cặp đồng tính khác tránh được phiền phức như mình. Về phần Jim Obergefell và John Arthur, họ là cặp đôi đồng tính đã chung sống với nhau từ lâu tại tiểu bang Ohio. Thế nhưng vào thời điểm đó tại bang Ohio việc kết hôn giữa hai người đàn ông với nhau vẫn chưa được pháp luật công nhận.
Năm 2003, Obergefell cùng một nửa của mình đã quyết định chuyển tới “thánh địa của các cặp đôi đồng tính” - Maryland để tiến hành đăng ký kết hôn như bao đôi vợ chồng khác. Cả hai chưa đón nhận hạnh phúc được bao lâu thì bất ngờ Arthur qua đời. Khi Obergefell quay trở về Ohio để làm lễ mai táng cho “chồng”, cơ quan hành pháp tại đây đã không cho phép ông viết tên mình vào giấy khai tử với tư cách một người vợ.
Điều này khiến Obergefell vô cùng tức giận và thất vọng về sự bất công mà mình cũng như nhiều người đồng tính đang gặp phải. Người đàn ông trong cơn đau tột cùng đã quyết định đứng lên khởi kiện Giám đốc Sở y tế của bang Ohio khi đó là Lance Himes và sau đó là Richard Hodges. Vụ kiện này đã một vụ kiện thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng bởi nó đại diện cho 3 vụ kiển điển hình về hôn nhân đồng giới trên toàn nước Mỹ khi đó. Vụ việc đã được đưa ra xét xử trong nhiều năm tại các tòa án tiểu bang, rồi đến liên bang và kháng cáo cuối cùng lên đến Tòa án Tối cao Mỹ.
Thời điểm đó, vụ kiện trở thành tâm điểm của toàn nước Mỹ, bởi phán quyết lần này của 9 vị thẩm phán tối cao không chỉ có hiệu lực tại 4 tiểu bang này, mà sẽ trở thành luật lệ áp dụng trên toàn quốc. Bởi vì, các tiểu bang chống đối còn lại cũng sẽ phải chấp hành theo nó một khi đã biết rõ chọn lựa của Tòa án Tối cao Mỹ.
Thời gian này, Obergefell nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận. Sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã chính thức công nhận quyền bình đẳng hôn nhân cho người đồng tính trên toàn lãnh thổ với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Điều đó đồng nghĩa với việc từ con số 37 bang chấp nhận, nay cả 50 bang ở Mỹ đều hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Sự kiện đã trở thành bước ngoặt mang tính lịch sử đối với cộng đồng LGBT nước Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Trao đổi với Thời báo New York ngay sau khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán Anthony M.Kennedy cho hay có hơn 50% phiếu thuận dành cho hiến pháp hôn nhân đồng giới, đưa cuộc sống của những người trong cộng đồng LGBT lên một tầm cao mới, bình đẳng, hạnh phúc và thoải mái hơn nhiều so với trước đây. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng: “Đây là một thắng lợi cho nước Mỹ”. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định rằng luật hôn nhân đồng giới là “một bước tiến vĩ đại của quyền con người”.
Trên mạng xã hội Twitter, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 cũng gửi tin nhắn với chữ “Tự hào”. Tuy nhiên, cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Mỹ phản đối dữ dội quyết định của Tòa án Tối cao. Cựu thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee mô tả phán quyết này là “hành động bạo quyền vi hiến vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Thống đốc Greg Abbott của bang Texas chỉ trích các thẩm phán Tòa án Tối cao “buộc cả nước phải chấp nhận quan điểm cá nhân của họ”. Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker kêu gọi cải tổ hiến pháp Mỹ để các bang được phép áp lại lệnh cấm hôn nhân đồng tính. Mặc cho những phản đối đó, ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, người đồng tính ở các bang như Georgia, Michigan, Ohio và Texas đã ồ ạt tổ chức đám cưới.
Bên ngoài trụ sở Tòa án tối cao ở Washington, hàng trăm người ủng hộ quyền hôn nhân đồng tính nhảy múa ăn mừng, hô vang: “Nước Mỹ, nước Mỹ”, “Tình yêu là tình yêu”... Không chỉ là niềm vui với công dân Mỹ, cộng đồng LGBT trên toàn thế giới cũng coi đây là chiến thắng được đền đáp sau những nỗ lực bền bỉ của mình. Làn sóng ủng hộ cũng lan truyền mạnh mẽ trong suốt nhiều ngày sau đó. Trên Facebook, người truy cập cũng có thể thể hiện sự ủng hộ của mình thông qua một ứng dụng mang tên Celebrate Price, với việc biến hình đại diện của bạn thành màu của lá cờ 7 sắc cầu vồng - biểu tượng của cộng đồng LGBT.