Án lệ - nhân lên sự tự tin của thẩm phán

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Ở Sóc Trăng, việc áp dụng án lệ được tòa án hai cấp nghiêm túc triển khai thực hiện, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Theo đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng,án lệ được áp dụng khi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao công bố và đến nay đã có 56 án lệ được công bố, bao gồm các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại… Ở Sóc Trăng, có 2 sự kiện pháp lý được chọn để làm án lệ. Án lệ là cơ sở để các thẩm phán, hội đồng xét xử nghiên cứu, áp dụng vào việc giải quyết các vụ án khi có tình huống pháp lý tương tự và năm 2022, có 4 bản án được tòa án hai cấp áp dụng án lệ. Mỗi bản án lệ có những căn cứ, lập luận và kỹ năng hành văn rất chặt chẽ. Việc áp dụng án lệ sẽ giúp cho thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu và nâng cao được chất lượng viết bản án; tạo được sự thống nhất trong công tác xét xử trong hệ thống.

Thời gian qua, các án lệ công bố đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh triển khai kịp thời, nhất quán trong hai cấp. Hàng năm, đều có văn bản đôn đốc, nhắc nhở và tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về phương thức, cách xác định và kỹ năng nhận diện các tình tiết cơ bản của vụ việc cho các thẩm phán, hội thẩm nhân dân trực tiếp áp dụng án lệ. Đồng thời, tại các cuộc họp, hội nghị, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh còn thường xuyên yêu cầu các đơn vị tập trung nghiên cứu, áp dụng án lệ. Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường kiểm tra, nhắc nhở đối với việc nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử ở các đơn vị. Việc áp dụng án lệ là một trong những chỉ tiêu, tiêu chí thi đua của ngành, được thể hiện rõ trong quy định của hệ thống tòa; nếu bản án sơ thẩm có tình huống pháp lý tương tự mà không áp dụng án lệ, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự sẽ bị cấp phúc thẩm hủy, sửa án (tỷ lệ hủy, sửa án vượt mức cho phép, sẽ bị xử lý theo quy định).

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quan tâm quán triệt, triển khai tập huấn về án lệ. Ảnh: SỚM MAI

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng quan tâm quán triệt, triển khai tập huấn về án lệ. Ảnh: SỚM MAI

Án lệ còn làm rõ quy định của pháp luật, còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý một vụ việc cụ thể; thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều kiện cụ thể quy định. Án lệ còn có giá trị hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Do vậy, việc nghiên cứu và áp dụng án lệ, đem đến nhiều lợi ích, giúp thẩm phán tự tin hơn trong xét xử, nhất là trước tình trạng án thụ lý ngày một tăng. Thêm vào đó, Tòa án nhân dân Tối cao đã cho ra đời phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán, cán bộ tòa án trong việc tra cứu văn bản pháp luật phục vụ công tác xét xử. Từ đó, việc nghiên cứu án lệ cũng được dễ dàng, nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Trong thực tế, những tình tiết, sự kiện phát sinh trong các vụ việc, vụ án là “muôn kiểu” và hàng năm, Tòa án nhân dân tỉnh đã lựa chọn, tập hợp, đề xuất Tòa án nhân dân Tối cao những sự kiện pháp lý (khoảng 20 sự kiện) để xem xét lựa chọn án lệ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác.

Một đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân huyện cho biết, trên tinh thần văn bản chỉ đạo từ cấp trên và án lệ được công bố, đơn vị đã nghiêm túc triển khai, mỗi thẩm phán có trách nhiệm tập trung nghiên cứu. Tuy án lệ khá dài nhưng tất cả các án lệ đều có những “từ khóa” để nhớ và “điểm nhấn” của các tình tiết áp dụng. Với lại, việc nghiên cứu văn bản pháp luật và nghiên cứu, xem xét các tình tiết vụ việc, ở từng vụ án là nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên của người làm công tác xét xử nên việc nghiên cứu án lệ không gây khó khăn hay mất nhiều thời gian đối với thẩm phán. Định kỳ, hàng tuần, hàng tháng, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú lần lượt đưa các án lệ ra nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để vận dụng một cách chính xác, hiệu quả (năm 2022, có 1 bản án áp dụng án lệ).

Quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án luôn cần được đảm bảo có căn cứ, hợp pháp, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở vận dụng các quy phạm pháp luật để giải quyết các vụ án liên quan thể hiện sự nghiêm minh. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh rất đa dạng và liên tục biến đổi. Vì vậy, trong nhiều trường hợp chưa có quy phạm pháp luật để giải quyết hoặc không thể áp dụng tương tự pháp luật thì cần áp dụng án lệ và lẽ công bằng vào quá trình giải quyết vụ án. Có thể nói, án lệ là nhu cầu tất yếu trong hoạt động áp dụng pháp luật và sự tự tin giúp thẩm phán hoàn thành tốt công tác xét xử.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/an-le-nhan-len-su-tu-tin-cua-tham-phan-61434.html