Án lừa đảo... không dễ xử
Nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối mặt nguy cơ giẫm chân tại chỗ vì những sai phạm khi truy tố, xét xử
Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã thông báo rút kinh nghiệm vụ án Dương Thị Mỹ Trang lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi ở tỉnh Hậu Giang. TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định hủy bản án sơ thẩm vụ án trên do có nhiều vi phạm trong giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm.
Vượt giới hạn xét xử
Vụ án được tóm tắt như sau: Từ năm 2002, Dương Thị Mỹ Trang đứng ra làm chủ nhiều dây hụi với hàng trăm "hụi viên". Mọi việc thuận lợi đến giữa năm 2015, Trang nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền do "hụi viên" đóng góp. Trang dùng mọi chiêu trò hòng chiếm dụng tiền đóng hụi. Không lâu sau, Trang tuyên bố bể hụi, đến công an trình báo, giao nộp tất cả sổ ghi chép dây hụi. Lúc này, Trang còn quản lý 27 dây hụi chưa mãn, có 130 "hụi viên". Sự việc vỡ lở, 53/130 nạn nhân yêu cầu xử lý hình sự và dân sự.
Cơ quan điều tra xác định Trang dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 3,5 tỉ đồng của 53 bị hại đã đóng hụi. Không chỉ vậy, bị cáo chiếm đoạt hơn 745 triệu đồng của 28 "hụi viên" khác. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dương Thị Mỹ Trang 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Không đồng ý với bản án, cơ quan công tố có thẩm quyền kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu. Theo HĐXX phúc thẩm, bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng cộng 81 "hụi viên", với tổng số tiền chiếm đoạt gần 4,3 tỉ đồng. Tuy vậy, ở cấp sơ thẩm, cơ quan công tố chỉ truy tố bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có đơn yêu cầu xử lý (53 nạn nhân). Việc cơ quan công tố không truy tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 28 "hụi viên" (những người không có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo) là bỏ lọt hành vi phạm tội.
Khi xác định cơ quan công tố có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội, tòa sơ thẩm đáng ra phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm vụ án này vẫn nhận định và xét xử thêm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 28 "hụi viên". Từ đó, tòa sơ thẩm cáo buộc bị cáo lừa đảo chiếm đoạt gần 4,3 tỉ đồng của 81 bị hại - vượt quá số tiền cũng như số bị hại mà cơ quan công tố cùng cấp truy tố ra tòa. Cấp phúc thẩm nhận định đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về giới hạn xét xử.
Chưa rõ tình tiết
Rơi vào tình cảnh tương tự là vụ án Phạm Văn Hiếu nhận dịch vụ "chạy" đặt bảng quảng cáo ngoài trời ở khuôn viên trụ sở Công an quận 3, TP HCM rồi chiếm đoạt 50.000 USD. Vụ án xuất hiện không ít khúc mắc ngay ở cấp xét xử sơ thẩm.
Sau khi xét hỏi tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP HCM tuyên bố trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm rõ nhiều tình tiết, lời khai phát sinh suốt quá trình xét hỏi.
Tại tòa, đại diện VKSND thành phố cáo buộc Phạm Văn Hiếu dùng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin không đúng sự thật, khiến chị Phạm Ngọc Anh Thư tin tưởng rồi ký hợp đồng với Hiếu về việc đặt bảng quảng cáo ngoài trời tại khuôn viên trụ sở Công an quận 3. Sau khi nhận 50.000 USD từ nạn nhân, Hiếu "biệt vô âm tín". Trái lại, khi ra tòa, bị cáo Phạm Văn Hiếu cho rằng nội dung cáo trạng chưa rõ ràng. Bị cáo không hề nhận 50.000 USD như người thừa hành quyền công tố quy kết. Nhận thấy vụ án tồn tại một số vấn đề cần làm rõ, HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Giai đoạn thụ lý giải quyết trước đó, TAND TP HCM từng trả hồ sơ vụ án kể trên. Về lý do, cơ quan xét xử yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm rõ nhiều nội dung như: Phạm Văn Hiếu có hay không có đồng phạm giúp sức? Hiếu có đưa tiền cho người khác để "chạy" giấy phép quảng cáo trái luật hay không? Phúc đáp, VKSND thành phố khẳng định pháp luật không có căn cứ xác định Hiếu có hành vi đưa hối lộ hay có đồng phạm.
Trước khi vướng vòng lao lý, kẻ lừa đảo này từng làm việc tại Phòng Tư pháp UBND quận 1, Sở Tư pháp TP HCM... Từ năm 2017 đến cuối tháng 12-2019, Hiếu làm việc tại Thanh tra quận 3.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/an-lua-dao-khong-de-xu-20220219215138384.htm