An Lục Long: Đường nông thôn sáng ánh đèn đêm

Từ một xã nghèo vùng sâu, căn cứ kháng chiến, hàng năm phải cứu tế, ngày nay xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã đổi đời no ấm. Toàn xã đã có nước sạch, hơn 50 km đường nông thôn trong xã được tráng bê tông rộng 4 m, có đèn chiếu sáng và cây xanh với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Điều đặc biệt là 100% công trình này do chính chuyền xã làm chủ đầu tư, người dân thiết kế, thi công, quản lý và tự nguyện góp vốn theo khả năng. Mô hình đường, điện nông thôn của An Lục Long đang được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh học tập.

Thanh long gom thành đóng bên lề đường chuẩn bị giao cho thương lái ngay trong đêm

Thanh long gom thành đóng bên lề đường chuẩn bị giao cho thương lái ngay trong đêm

Xe hơi, xe tải chạy khắp nơi trong xã. Đêm đêm, đèn đường cháy sáng cả làng quê như thành thị. Hai bên đường làng xanh mát, vàng rực hàng cây chuông vàng. 100% hộ dân trong xã được cấp nước sạch lấy từ mạch ngầm đã qua xử lý lắng lọc. Hình ảnh nông thôn hiện đại như giấc mơ không tưởng đã thành hiện thực với xã nghèo An Lục Long.

Điều quan trọng là tất cả những công trình dân sinh đó là do người dân đóng góp vốn, công sức, tự thiết kế, thi công, quản lý. Đảng, chính quyền địa phương đưa ra kế hoạch, tổ chức vận động và hỗ trợ về chuyên môn. Câu chuyện thành công của An Lục Long là câu chuyện về lòng tin và sự hợp tác của chính quyền với người dân.

Gần trung tâm vẫn sâu, nghèo, cách trở vì cách nghĩ, cách làm

An Lục Long được phân loại là xã vùng sâu. Cách đây chưa quá 10 năm, học sinh xã này thi đại học vẫn còn được công ưu tiên 2 điểm. Sự ưu ái đó do địa bàn cách trở đi lại khó khăn, hơn phân nửa tên ấp trong xã mang tên cầu đường: Cầu Đôi, Cầu Hàn, Cầu Kinh, Cầu Ván, Lộ Đá, Lộ Đất - những cây cầu chênh vênh và những con đường lầy lội là nút thắt nghẽn mạch cho sự phát triển của người dân. Nằm tiếp giáp và ngăn cách với tỉnh Tiền Giang bởi kênh Chợ Gạo nhưng thiếu cầu, đường nên tuy gần mà xa, cơ hội giao thương không có mà kinh tế đôi bên biệt lập.

Trong chiến tranh, phần lớn địa bàn xã là địa hình căn cứ kháng chiến. Nơi đây từng xảy ra trận đánh quyết tử của một đơn vị cấp tiểu đoàn của Khu 8. Toàn bộ đơn vị gần 110 người đã hy sinh, không một ai đầu hàng. Người dân đã làm mộ tập thể chôn các liệt sĩ ngay tại trận địa và lập miếu thờ hàng năm tổ chức cúng giỗ cho mãi đến ngày nay.

Sau năm 1975, An Lục Long vẫn là xã nghèo dù chính quyền địa phương và người dân cố gắng trồng dưa hấu, bắp tăng vụ. Có thời gian dài, dưa hấu Long Trì nổi tiếng bày bán ở TP.HCM thực chất là trồng ở An Lục Long. Có dưa nhưng thiếu đường vận chuyển cơ giới nên cái nghèo vẫn đeo đuổi. Hơn 10 năm qua, An Lục Long và phần nhiều nông dân huyện Châu Thành đã chuyển sang chuyên canh cây thanh long, cuộc sống khá hơn nhưng đường sá ách tắc vẫn là khó khăn lớn nhất. Ngân sách nhà nước đủ đối ứng 50% đường nông thôn nhưng sức lực và niềm tin người dân địa phương chưa đủ đáp ứng 50% còn lại. Vào thập niên 1990, chính quyền xã tổ chức đưa điện về nông thôn, vận động nhân dân đóng góp nhưng việc quản lý không chặt chẽ nên phát sinh khiếu kiện. Từ đó, người dân mất lòng tin, chính quyền ngại dân khiếu kiện, cái dớp đó kéo dài đến nhiều năm sau.

Tin dân và được dân tin

Vào đầu những năm 2000, từ xã đội trưởng được bầu làm Chủ tịch UBND xã, anh Hà Minh Tuấn quay quắt nghĩ cách làm thế nào thay đổi tình thế này. Nhớ lại kinh nghiệm từ người dân địa phương tự hiến đất lập ngôi miếu thờ liệt sĩ bằng tre lá, tự cúng giỗ và những người từ địa phương khác có lòng hảo tâm đóng góp trùng tu hàng chục năm trời, anh tin lòng dân không khắc khe, vướng mắc với chính quyền trước những việc chung nhưng chỉ do thiếu lòng tin và khả năng có hạn. Muốn có vốn làm đường, thay đổi bộ mặt địa phương cần phát huy kinh nghiệm này, huy động sức dân tại chỗ và sự đóng góp của các nhà hảo tâm cộng với vốn đối ứng của nhà nước để làm đường; đồng thời, phải tổ chức chặt chẽ, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả để tạo ra niềm tin với người dân.

Ngay vào ban đêm xe tải cũng nhộn nhịp vận chuyển hàng hóa

Ngay vào ban đêm xe tải cũng nhộn nhịp vận chuyển hàng hóa

Từ định hướng ấy, chính quyền xã tổ chức làm thí điểm bê tông hóa đoạn đường khó nhất, ở vùng sâu nhất, giáp ranh với Tiền Giang. Quy mô chỉ vài cây số, mặt đường chỉ rộng 2,5m. Để giảm chi phí và huy động tốt nhất, cao nhất, hiệu quả nhất sức đóng góp của người dân, xã chủ trương không gò ép mà chủ yếu vận động thuyết phục người dân ai có tiền góp tiền, ai không tiền góp công lao động, người dân tự bầu ra ban quản lý, tự thiết kế và thi công làm đường, chính quyền xã chỉ giám sát, hỗ trợ không tham gia trực tiếp. Lợi ích chung của việc làm đường quá rõ, tự góp tiền, góp công lại được ngân sách hỗ trợ, người dân bước đầu tin cậy và tham gia. Đoạn đường bê tông đầu tiên đã hoàn thành nhanh chóng và tiện ích của nó cho đời sống người dân thể hiện ngay. Những người lân cận bắt đầu chú ý và cũng mong muốn làm theo.

Chương trình làm đường trở nên thuận lợi, xã lần lượt lập kế hoạch mở thêm đường bê tông mới. Lúc này từ thực tiễn lại phát sinh vấn đề mới là đường 2,5 m vừa với xe máy nhưng còn quá nhỏ với ô tô tải trong khi nhu cầu vận chuyển thanh long và các loại vật tư bằng ô tô rất lớn. Phải mở đường rộng ra 4m, vài ba trăm mét phải có chỗ rộng hơn để 2 xe tải có thể tránh nhau. Chính quyền xã đã thiết kế làm các tuyến đường nông thôn theo yêu cầu này. Nhưng như thế đường mới rộng hơn mặt đường cũ, phải xin đất của các hộ dân có đường đi qua, phải vận động nguồn tài trợ cho phần vốn phát sinh đang quá sức người dân.

Từ kinh nghiệm người dân địa phương tự hiến đất, nhà hảo tâm ngoài địa phương bỏ tiền tu sửa Miếu thờ liệt sĩ ở Cầu Ván, lãnh đạo xã tin rằng với chuyện công ích chắc người dân sẽ không hẹp hòi, mặt khác có thể vận động các doanh nhân, nhà hảo tâm quê gốc An Lục Long hoặc có tình cảm với An Lục Long hỗ trợ. Kế hoạch này của xã đáp ứng đúng nhu cầu người dân và đã có niềm tin qua các công trình trước đây nên dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, ông Tám Cẩu (Võ Hồng Sanh) người trực tính, giống ông già Ba Tri từng bỏ ra mấy năm trời khiếu kiện những bất minh của lãnh đạo xã các nhiệm kỳ trước trong xây dựng đường dây cao thế lần này không những chấp nhận hiến đất mà còn tự nguyện đóng góp hơn 10 triệu đồng để làm đường. Tuy vậy, ông cũng không quên đe nẹt: “Mần coi cho được, mần không được là chết với tao!”.

Huy động nhiều nguồn lực xã hội

Tại xã, dân đồng lòng, ngoài xã thì các nhà hảo tâm như doanh nghiệp Kiềm Nghĩa và một số doanh nhân khác nhìn thấy các công trình công ích của An Lục Long đã làm khá tốt nên cũng tin tưởng ủng hộ. An Lục Long không chỉ làm đường nông thôn mà còn làm cả phần đường liên xã đi qua địa phận của mình. Theo phân cấp thì phần này thuộc ngân sách huyện nhưng do nhiều điều kiện khó khăn nên huyện chưa có kinh phí. Chờ huyện thì lâu, nên xã vận động dân chủ động làm luôn. Tự mua sắm vật tư, thi công làm đường cho mình đi nên người dân luôn lựa chọn phương án tốt nhất, giá rẻ nhất nên các tuyến đường của xã chất lượng tốt, lớp bê tông dày chắc chắn cho xe tải đi lại an toàn mà lại tiết kiệm chi phí khá cao so với định mức chung của nhà nước.

Đến nay, An Lục Long hoàn thành bê tông hóa toàn bộ 50 km đường nông thôn và liên xã trên địa bàn, với quy cách mặt đường rộng 4 m và có nhiều điểm dừng tránh nên ô tô, xe tải chạy thoải mái trên toàn xã. Tất cả các tuyến đường này đều được trồng cây chuông vàng tạo vẻ mỹ quan và bóng mát. Tổng kinh phí làm đường lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điểm son khác của An Lục Long là đã đưa nước phông - tên và điện sinh hoạt đến 100% hộ dân trong xã. Đó là ước mơ nhiều năm dài của người dân trong xã. Nhưng vượt lên trên ước mơ đó, xã An Lục Long còn làm được điều mà ngay một số vùng đô thị chưa làm được đó là hệ thống đèn đường nông thôn. Cũng bằng phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, người dân tự thi công, quản lý. Chi phí tiền điện hàng tháng được tính chung vào tiền nước sinh hoạt.

Phó Chủ tịch nước – Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ cắt băng khánh thành đường nông thôn ở xã An Lục Long

Phó Chủ tịch nước – Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ cắt băng khánh thành đường nông thôn ở xã An Lục Long

Ánh sáng điện trên con đường quê ở An Lục Long là điểm sáng thật sự của nông thôn mới. Chìa khóa thành công của mô hình này theo một vị Thường trực Đảng ủy xã cho biết đó là niềm tin. Đảng, chính quyền địa phương phải tạo được niềm tin với người dân, trước hết ở sự minh bạch, trong sạch của mình, niềm tin vào năng lực thực hiện hiệu quả sự đóng góp tiền của từ các nguồn tài trợ. Mặt khác, chính quyền cũng phải đặt niềm tin vào người dân, để chính người dân tự quản lý, thi công xây các công trình công ích cho địa phương.

Ánh sáng đèn điện trên những con đường nông thôn ở Cầu Hàn, Cầu Đôi, Lộ Đất, Lộ Đá đã thắp sáng cho người dân vận chuyển thanh long và bao vật tư hàng hóa khác, đồng thời đó cũng là ánh sáng mới tiêu biểu cho những con đường đi tới xã hội phồn vinh./.

Anh Kiệt

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/an-luc-long-duong-nong-thon-sang-anh-den-dem-a88057.html