Án mạng giữa những người thân dưới góc nhìn của các chuyên gia tội phạm học

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã xảy ra nhiều vụ trọng án mà nạn nhân và hung thủ đều là vợ chồng, hoặc có quan hệ huyết thống, máu mủ. Tất cả xuất phát từ lòng ích kỷ, thù hận, tranh đoạt quyền lợi vật chất và sẵn sàng vứt bỏ những giá trị thiêng liêng thuộc về tìm cảm gia đình. Nguyên nhân do đâu mà những sự hận thù này lại không có cách hóa giải?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân)

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân)

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng hay những người trong gia đình nhẫn tâm sát hại nhau. Ví dụ như ghen tuông trong quan hệ vợ chồng, ghen ghét trong anh em ruột khi thấy bị thua thiệt quyền lợi, đây là bản năng, xu hướng tất yếu trong mỗi con người. Nhưng khi có sự hiểu biết về pháp luật, có kỹ năng quản lý xung đột thì những mâu thuẫn ấy được kiềm chế, không dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, gây nên những vụ thảm án, thảm sát hoặc tự sát.

Thông thường, những mâu thuẫn này thường bị đẩy lên rất cao bởi tính tự trọng, tính ích kỷ, tính tham lam, tính cố chấp và tính chiếm đoạt tiềm ẩn trong mỗi người. Mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không được hóa giải kịp thời thì cấp độ, sự quyết liệt trong hành động càng dữ dội. Cách phản ứng của người bị hại khi gặp xung đột cũng là tác nhân rất quan trọng. Khi xảy ra mâu thuẫn, các nạn nhân cần kiềm chế, tránh có những hành vi, lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ kích động, chạm tự ái sâu sắc của đối phương. Không đẩy đối tượng vào thế tận cùng, bị tổn thương quá lớn, bị kích động, không còn gì để mất. Tránh để chính người thân của mình trở nên hằn học, cay cú, đau đớn và bức xúc, chỉ hành động theo bản năng, giải tỏa tức thì những gì chất chứa, ấp ủ. Bên cạnh đó, những yếu tố bên ngoài như rượu, ma túy, các chất kích thích... cũng là một trong những tác nhân khiến người ta không kiềm chế được cơn nóng giận.

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tội phạm học của Bộ Công an

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tội phạm học của Bộ Công an

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tội phạm học của Bộ Công an cho rằng, các vụ án do mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm hoặc mâu thuẫn vật chất giữa người thân trong gia đình dẫn đến đoạt mạng đều tập trung ở 2 động cơ. Hoặc là do ghen tuông, hoặc là do thù tức, uất hận. Qua điều tra nguyên nhân các vụ án cho thấy có những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội hiện nay. Và những tiêu cực đó tồn tại trong môi trường sống hàng ngày, tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người, nhất là với giới trẻ. Theo phân tích của Trung tá Đào Trung Hiếu, với những vụ trọng án xuất phát từ những nguyên nhân này thì thủ phạm sống trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động nên có xu hướng chọn giải pháp “tự xử” - dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Vậy làm thế nào để có thể hóa giải được những hận thù giữa những người thân trong gia đình, sự ghen tuông mù quáng trong tình yêu, hôn nhân, hay những mối quan hệ khác? PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng: “Kỹ năng hóa giải vấn đề đối với nạn nhân là vô cùng quan trọng. Trong những trường hợp xảy ra mâu thuẫn về mặt tình cảm thì chính nạn nhân phải có kỹ năng kiểm soát hành vi. Phải có cách thức làm dịu đi những cơn đau, làm dịu đi những bức xúc”.

Đối tượng Giàng A Dông và hiện trường vụ án nghiêm trọng xảy ra tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội khiến 2 nữ sinh tử vong

Đối tượng Giàng A Dông và hiện trường vụ án nghiêm trọng xảy ra tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội khiến 2 nữ sinh tử vong

Đừng đánh mất những điều tử tế

“Thật khó để có một câu trả lời làm rõ căn nguyên tại sao mối quan hệ trong gia đình ngày nay biến đổi. Với cá nhân tôi, điều cốt yếu nhất nằm ở chỗ chúng ta thực sự đang mất niềm tin vào những điều tử tế trong cuộc sống này. Nếu hàng ngày chúng ta nhìn rau củ quả chín đẹp, xanh mát mà vừa ăn vừa sợ thứ này đầy hóa chất thì liệu ta còn đủ niềm tin vào những người nông dân chân chất, thật thà? Trong khi đó, người người đua nhau làm giàu, mong muốn thành công, nên phải luôn tính cách chiếm giữ mọi thứ thay vì có thể cho đi và san sẻ cho nhau. Bởi vậy sự ích kỷ, tham lam và không có đức tin, sẽ khiến con chúng ta lạnh lùng, tàn nhẫn và khi bị đẩy lên cực điểm sẽ trở thành cái ác. Những điều ấy đã tác động trực tiếp tới gia đình Việt. Những người đầu gối tay ấp lại có thể ra tay sát hại lẫn nhau. Anh em ruột trong một gia đình lại ra tay một cách lạnh lùng để đoạt mạng sống của nhau. Những vụ trọng án diễn ra liên tiếp đã cho thấy, đạo đức con người và gia đình Việt đang tồn tại những vấn đề rất đáng báo động. Tất cả là do lòng tin và đức tin đang ngày một suy giảm”.

Nhà thơ, nhà báo Bảo Ngọc - Báo Thiếu niên tiền phong

Không cần bi quan trước các vụ bạo lực gia đình đẫm máu

“Gần đây, những vụ bạo lực gia đình đẫm máu đã liên tiếp diễn ra, khiến cho chúng ta vô cùng hoang mang. Nhìn ở góc độ văn hóa thì tôi nghĩ rằng, đó vẫn không phải là nền tảng đạo đức gia đình Việt Nam đang xuống cấp. Nó vẫn chỉ là số ít và cũng chỉ là những trường hợp dị biệt. Lý do thì thật nhiều, nhưng cơ bản vẫn là lòng tham mù quáng. Một mét đất, hoặc 3 tỉ đồng... tức là cái ác khởi nguồn ra từ vật chất. Không ai chịu nhường ai, kể cả dòng máu chung trong người cũng không còn là năng lượng yêu thương, tỉnh táo nữa. Nói theo nhà Phật đó chính là tham - sân - hận đã chứa chất quá nhiều, tích tụ lâu dần và trở thành tội ác. Gia đình, huyết thống đã tạo nên sự gắn kết của con người với nhau, một sự gắn kết đặc biệt và chỉ có ở con người mới trở thành văn hóa, đạo đức...

Nhưng chính sự u mê vì vật chất ấy đã phá vỡ cấu trúc kỳ diệu của huyết thống, phá vỡ sự ấm áp của gia đình và trở nên lạnh lùng đến kỳ dị. Bạo lực gia đình ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực về vật chất. Nhưng cũng không cần thiết phải quá bi quan, vì đó vẫn chỉ là “hiện tượng”. Dù nó nhiều lên nhưng không bao giờ trở thành bản chất được. Cấu trúc tốt đẹp của gia đình, năng lượng yêu thương của huyết thống vẫn tràn đầy trong đời sống. Và rõ ràng đó vẫn là cơ bản, vẫn nhiều hơn so với những gia đình tê liệt sự thương yêu”.

Họa sỹ Hoàng A Sáng

P.Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/an-mang-giua-nhung-nguoi-than-duoi-goc-nhin-cua-cac-chuyen-gia-toi-pham-hoc/826196.antd