Ăn mì tôm sống có tốt không?
Chuyên gia y tế sẽ giải đáp thắc mắc ăn mì tôm sống có tốt cho sức khỏe hay không.
Nhiều người thắc mắc ăn mì sống có tốt không? Chia sẻ về vấn đề này, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết mì tôm sống chỉ là cách gọi của mọi người. Trên thực tế, loại thực phẩm này chiên qua dầu và đã chín.
Một gói mì ăn liền thường có nguyên liệu chính là tinh bột mì (lúa mì), dầu ăn, muối, chất điều vị, bột trứng, chất tạo xốp, chất chống oxy hóa… Do vậy, ăn mì tôm chưa nấu không gây hại tới sức khỏe.
Mì chưa nấu thường giòn nên nhiều người thích thú, nhất là các em bé. Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ, ăn sống thì chỉ có carbohydrate, không cân đối về mặt dinh dưỡng, mọi người nên ăn mì nấu chín hơn là mì sống.
"Chúng tôi không khuyến khích mọi người ăn mì tôm sống, nhất là với trẻ nhỏ. Trẻ ăn mì khô sẽ chướng bụng, khó tiêu, đặc biệt là sẽ ăn lượng chất béo rất lớn vào cơ thể. Khi được nấu qua nước, lượng chất béo trong mì đã được hòa tan đáng kể", TS Từ Ngữ nói.
Hiện có những tin đồn không đúng cho rằng "ăn mì tôm gây ung thư".
"Bản thân tôi vẫn ăn mì tôm vào bữa sáng", vị chuyên gia nói. Khi nấu mì chúng ta có thể cho thêm thịt bò hoặc trứng, rau xanh… Như vậy bát mì sẽ đầy đủ các vitamin khoáng chất cho cơ thể.
Vị chuyên gia khuyến cáo mì tôm là thực phẩm tiện lợi nhưng không đủ chất dinh dưỡng, nếu ăn thay thế bữa chính, ăn liên tục sẽ khiến cho con người rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, nếu lạm dụng mì tôm sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh mì tôm có nhiều chất phụ gia, đặc biệt là muối. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá mặn sớm, sẽ hình thành nên thói quen ăn mặn và hệ lụy có thể gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp sau này.
Chúng ta nên ăn 1-2 bữa mì tôm/ tuần, các ngày còn lại sẽ ăn các thực phẩm khác như cơm, xôi, bún, phở…để đa dạng thực phẩm và chất dinh dưỡng.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/an-mi-tom-song-co-tot-khong-ar816840.html