Ăn một con cá trong tự nhiên ở Mỹ bằng cả tháng uống nước nhiễm độc
Nghiên cứu mới ngày 17.1 cho biết, ăn một con cá nước ngọt đánh bắt ở sông hoặc hồ tại Mỹ tương đương với việc uống một tháng nước bị ô nhiễm 'các hóa chất vĩnh viễn' độc hại.
Hóa chất vô hình PFAS được phát triển đầu tiên vào những năm 1940 để chống nước và nhiệt. Hóa chất này hiện được sử dụng trong các mặt hàng như chảo chống dính, hàng dệt, bọt chữa cháy và bao bì thực phẩm.
Tuy nhiên, PFAS có tính chất không thể bị phá hủy, dẫn tới các chất ô nhiễm tích tụ theo thời gian trong không khí, đất, hồ, sông, thực phẩm, nước uống và thậm chí cả trong cơ thể người.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi quy định chặt chẽ hơn với PFAS. Hóa chất này có liên quan đến loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm tổn thương gan, cholesterol cao, giảm phản ứng miễn dịch và một số loại ung thư.
Để tìm hiểu về ô nhiễm PFAS trong cá đánh bắt tại địa phương, nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 500 mẫu từ các sông và hồ trên khắp nước Mỹ từ năm 2013 đến 2015.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, mức PFAS trong cá trung bình là 9.500 nanogram trên mỗi kg.
Gần 3/4 "hóa chất vĩnh viễn" được phát hiện là PFOS, một trong những chất phổ biến và nguy hiểm nhất trong số hàng nghìn PFAS.
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng, chỉ ăn một con cá nước ngọt tương đương với nước uống có PFOS ở mức 48 phần nghìn tỉ.
Năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã hạ mức PFOS trong nước uống được xem là an toàn xuống còn 0,02 phần nghìn tỉ.
Nghiên cứu cho biết, tổng mức PFAS trong cá nước ngọt cao hơn 278 lần so với mức được tìm thấy trong cá bán thương mại.
David Andrews, nhà khoa học cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Tôi không thể nhìn vào một con cá mà không nghĩ đến việc nhiễm PFAS.
Ông chỉ ra, những phát hiện này "đặc biệt đáng lo ngại do tác động với những cộng đồng thua thiệt đang tiêu thụ cá như nguồn cung cấp protein hoặc vì các lý do xã hội hay văn hóa".
"Nghiên cứu này khiến tôi vô cùng tức giận vì các công ty sản xuất và sử dụng PFAS đã làm ô nhiễm toàn cầu và không chịu trách nhiệm" - ông Andrews cho hay.
Patrick Byrne, nhà nghiên cứu ô nhiễm môi trường tại Đại học Liverpool John Moores của Vương quốc Anh, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, PFAS "có lẽ là mối đe dọa hóa học lớn nhất mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21".
“Nghiên cứu này rất quan trọng vì cung cấp bằng chứng đầu tiên về sự lan rộng của PFAS trực tiếp từ cá sang người" - ông nói thêm.
Nghiên cứu được công bố sau khi Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển đệ trình đề xuất cấm PFAS lên Cơ quan Hóa chất Châu Âu của EU.