Ăn nhanh và ăn chậm

Thời buổi công nghệ thông tin, chỉ cần chục giây để thao tác chụp ảnh, đưa lên facebook. Người ta cũng chỉ cần một chút thời gian là xong bữa, hoặc vừa ăn vừa làm việc. Nhanh nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Chuyện ăn cũng cần chậm lại, để thấy bầu trời xanh, cảnh vật quanh mình đáng yêu thế nào. Nên chăng, đó hãy trở thành trào lưu giàu ý nghĩa.

Cuộc sống thúc bách, gấp gáp trong vòng mưu sinh khiến người ta phải sống nhanh, gấp. Ngay cả bữa ăn cũng vội vàng, thiếu thốn sự chậm rãi, thưởng thức. Nhiều bạn trẻ ngày nay là tín đồ của các loại đồ ăn nhanh mà người ta gọi là “fast food”. Ở những thành phố lớn, hàng loạt cửa hàng bán đồ ăn nhanh mọc lên, đáp ứng nhu cầu thực khách. Nào là gà chiên KFC, gà sốt đậu Lotteria, pizza, hamburger, sandwich...

Ở nước ta, đồ ăn nhanh cũng có thể được hiểu là đồ ăn vặt, đồ ăn vỉa hè, vì chuyện ăn uống ở đó cũng tiện. Chỉ cần táp xe vào, ngồi chờ vài phút là được bưng ra. Cũng có những quán đồ ăn nhanh sang trọng, chế biến đẹp mắt, đa dạng chủng loại, đứng ở con phố đắt đỏ. Nhờ khách đông và chạy theo đúng trào lưu nên làm ăn phát đạt. Khách này giới thiệu cho khách khác. Những cậu ấm cô chiêu luôn có thói quen thử cho biết, nên thường tìm cho mình địa điểm mới, đang được giới trẻ quan tâm. Có bạn trẻ mê đồ ăn nhanh, đến nỗi tổ chức tiệc tùng, sinh nhật cũng phải tụ tập bạn bè ở quán ăn nhanh. Nhờ vào sự tiện lợi của công nghệ “ship hàng”, đặt hàng, đồ ăn nhanh cũng được chuyển đến tay người tiêu dùng rất nhanh. Chỉ cần có số điện thoại của cửa hàng bán đồ, gọi điện, trong một khoảng thời gian ngắn là nhận được.

Tôi có cô bạn, cũng vì bận bịu mà gọi điện ship bánh mỳ pa-tê. Cả tiền bánh và tiền vận chuyển chỉ 15 nghìn đồng. Một số tiền quá khiêm tốn. Thậm chí trừ tiền ship thì cả cái bánh mỳ còn lại chỉ 10 nghìn đồng. Vậy thì làm sao có thể đòi chiếc bánh mỳ kia bảo đảm chất lượng, an toàn? Người đặt bánh chỉ cốt tiện lợi, gọn nhẹ, cần lấp đầy cái khoảng trống dạ dầy trong khoảng thời gian ngắn mà quên chuyện chiếc bánh có an toàn hay không. Rồi cô bạn bị đau bụng. Đó là cái giá phải trả vì ăn thứ đồ quá rẻ. Cô không lường trước được người ta làm nhân bánh bằng gì. Hiểm họa cũng từ đó mà ra.

Mới đây, ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) xuất hiện một quán đồ ăn vặt, đặt tên là “Chậm”. Phía dưới của chữ “Chậm” được nhấn bằng hàng chữ “sống chậm - ăn ngon”. Trào lưu sống chậm đang dần dần lan tỏa trong đời sống, như là cách kìm giữ thời gian, kìm giữ sự trôi vèo của lối sống xưa cũ. Hẳn là chủ quán đã đúng khi muốn đi ngược lại với lối sống hiện thời. Muốn thực khách hãy tận hưởng cảm giác sống chậm để được ăn ngon, ăn và chỉ nghĩ về món ăn ngon, với những câu chuyện chầm chậm, thư thái, chứ không phải là sự hộc tốc đôn đáo với nhiều toan tính thiệt hơn.

Có vị khách tới đây, gợi ý Hà Nội nên có nhiều loại quán như thế này, giúp nhiều người thư thái ngay giữa thành phố chứ không phải đi đâu xa. Dù với mỗi chủ quán, chuyện kinh doanh là để kiếm khách, thu lãi. Nhưng chuyện những chủ quán rộng tay, rộng lòng nghĩ cho cộng đồng về chuyện ăn uống an lành, sống vui vẻ, thư thái rất đáng nể. Tấm lòng ấy được nhân lên nhiều sẽ tốt biết mấy.

Thực tế những năm qua, ở Hà Nội vẫn có khoảnh khắc “chất chậm” với những quán hàng cà phê gợi lại thời bao cấp, quán cơm chay hoặc sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm. Đó là những nốt trầm dễ thương của đô thị mà nhiều người đang muốn được hưởng thụ hằng ngày. Hoặc được thư thái dịp cuối tuần. Người ta vẫn kêu gọi bạn trẻ và cộng đồng sống chậm để nghiền ngẫm, thân ái và yêu thương nhiều hơn.

Thời buổi công nghệ thông tin, chỉ cần chục giây để thao tác chụp ảnh, đưa lên facebook. Người ta cũng chỉ cần một chút thời gian là xong bữa, hoặc vừa ăn vừa làm việc. Nhanh nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Chuyện ăn cũng cần chậm lại, để thấy bầu trời xanh, cảnh vật quanh mình đáng yêu thế nào. Nên chăng, đó hãy trở thành trào lưu giàu ý nghĩa.

Khánh Thảo

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/an-nhanh-va-an-cham-92935.html