An ninh kinh tế cho Việt Nam
Vài năm gần đây, vấn đề an ninh kinh tế của nước ta đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của tôi. Cuối năm cũ, trực tiếp chứng kiến hai sự kiện thúc đẩy tôi viết ngay bài này.
Thứ nhất, ở Nhật, ông Kishida Fumio vừa nhậm chức Thủ tướng (ngày 4/10/2021) đã lập ngay Bản bộ An ninh kinh tế do một bộ trưởng phụ trách. Vấn đề an ninh kinh tế đã được Nhật quan tâm từ nhiều năm trước, lần này Thủ tướng mới đã thấy phải có riêng một cơ quan chuyên trách.
Không riêng gì Nhật, nhiều nước khác như Mỹ, Úc… cũng có những đối sách cụ thể để bảo vệ an ninh kinh tế trước tình hình thế giới ngày càng phức tạp, nhất là trong thời đại kỹ thuật số và trước những thay đổi lớn về đối ngoại ở Trung Quốc.
Thứ hai, tham dự một hội nghị về kinh tế Thái Lan vào giữa tháng 12, tôi rất ngạc nhiên biết được các doanh nghiệp Thái Lan gần đây đã đầu tư ồ ạt vào Việt Nam chủ yếu theo hình thái mua bán sáp nhập (M&A). Sự kiện Công ty Thái Beverage mua 54% cổ phiếu của Sabeco năm 2017 được dư luận chú ý nhưng ít người biết là chỉ trong 7 năm vừa qua, từ 2014 đến 2020, lũy kế kim ngạch FDI của Thái tại Việt Nam tăng tới 5 lần, từ khoảng 2 tỷ lên gần 10 tỷ USD, và trong 13 dự án lớn có tới 10 dự án theo hình thức M&A.
Đầu tư ồ ạt của Thái Lan chưa hẳn trực tiếp gây ra vấn đề an ninh kinh tế cho Việt Nam nhưng có hai điểm làm tôi quan tâm. Một là, trong tình hình Việt Nam đang hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới và FDI chiếm vị trí rất lớn trong nền kinh tế, ngoài Thái Lan chỉ là nước mới nổi còn nhiều nước khác, lớn hơn nhiều, cũng có hoạt động tương tự mà ta chưa tổng kết để phân tích mức độ ảnh hưởng, nhất là đã có tin công ty nước ngoài dùng nhiều biện pháp (như nhờ người Việt Nam đứng tên) để lách luật mua hoặc thuê đất ở cả những vùng nhạy cảm về quốc phòng. Hai là, nếu để cho nước ngoài tự do sáp nhập thâu tóm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào? Ta có thể thấy một nền kinh tế do doanh nghiệp nước ngoài chi phối hay là cần chính sách bảo vệ và nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước?
Tăng cường an ninh kinh tế đã trở thành mối quan tâm của các nước
Từ giữa thập niên 2010, ngày càng nhiều nước quan tâm đến an ninh kinh tế và đã đưa ra nhiều đối sách cụ thể, kể cả việc ban hành luật mới hoặc sửa đổi luật cũ. Những nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, Úc, Nhật tìm cách bảo vệ công nghệ và doanh nghiệp quan trọng trong nước trước sự xâm nhập ngày càng mạnh của doanh nghiệp Trung Quốc.
Chẳng hạn, gần đây Quốc hội Mỹ đã soạn thảo nhiều luật liên quan đầu tư từ nước ngoài và có quy định đặc biệt thẩm tra kỹ các dự án để tránh trường hợp bí quyết về công nghệ hoặc thông tin về an ninh quốc gia được chuyển về Trung Quốc.
Tháng 9/2014, Mỹ cải chính Luật đầu tư nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia (FINSA), đã có từ 2007, để tăng quyền hạn cho Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) trong việc thẩm tra và quyết định về các dự án đầu tư từ nước ngoài. Tháng 6/2017, Quốc Hội Mỹ đưa ra dự thảo Luật cải thiện việc thẩm tra rủi ro đối với các dự án FDI, trong đó quy định sự cần thiết phải thẩm tra xuất xứ quốc gia của các dự án. Tháng 10/2020, Mỹ đưa ra quy định quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu những công nghệ quan trọng…
Trước khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida lập Bản bộ An ninh kinh tế như đã nói, năm 2017, Nhật đã có quyết định sửa đổi Luật tiếp nhận FDI trong đó tăng cường thẩm tra các dự án khả nghi để phòng công nghệ mũi nhọn bị di chuyển ra nước ngoài. Tháng 11/2019, Nhật ban hành Luật ngoại hối sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 5/2020, nhằm tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các lãnh vực xét ra có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cụ thể, họ công bố danh sách 518 công ty (hầu hết là tư nhân) thuộc những ngành cốt lõi trong 12 lãnh vực, trong đó có hàng không, vũ trụ, nguyên tử lực, điện lực, gas, an ninh mạng. Theo Luật sửa đổi này, trong các giao dịch chứng khoán, khi nước ngoài chiếm trên 1% giá trị cổ phiếu của các công ty thuộc danh sách này phải báo cáo với nhà nước (trước khi sửa đổi luật là 10%). Từ tháng 8/2021, Nhật bắt đầu bàn nội dung ngắn cấm công ty nước ngoài mua hoặc thuê đất ở những vùng được xem là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bối cảnh của trào lưu nói trên là sự trỗi dậy và chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc không những trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà cách hội nhập, tiếp cận của họ đối với thế giới rất đặc biệt, gây lo ngại cho các nước.
Thứ nhất, các công ty của Trung Quốc trở thành đa quốc gia rất nhanh chóng, xâm nhập mạnh mẽ vào kinh tế, chính trị các nước. FDI ra nước ngoài của Trung Quốc mới chỉ 5 tỷ USD vào năm 2004 nhưng tăng lên trên 100 tỷ từ năm 2013 và trở thành quốc gia có FDI lớn nhất thế giới vào năm 2020. Trung Quốc cũng chủ trương tích cực thâm nhập thị trường các nước bằng hình thái M&A. Trong đại dịch từ năm 2020, Nhật Bản lo ngại nhiều công ty nhỏ và vừa của họ đa số có công nghệ cao có nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm sáp nhập nên đã bàn các biện pháp ngăn ngừa.
Thứ hai, từ thời ông Tập Cận Bình điều hành đất nước, Trung Quốc có phương châm mới, rất đặc biệt về doanh nghiệp, điển hình là chính sách “quân dân dung hợp” phát biểu năm 2015, và được cụ thể hóa bằng Luật Tình báo quốc gia tháng 6/2017 và được nhấn mạnh ở Đại hội toàn quốc lần thứ 19 (tháng 10/2017) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo chính sách này, doanh nghiệp Trung Quốc, dù là quốc doanh hay tư nhân, đều có bổn phận cung cấp mọi thông tin về hoạt động của họ khi chính phủ yêu cầu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi điều lệ, ghi thêm sự chấp nhận để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc can dự vào các quyết định kinh doanh. Do đó trong hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể có nhiều trường hợp không chú trọng mục đích kinh tế mà để phục vụ cho các mục tiêu khác do Đảng hoặc nhà nước Trung Quốc chủ trương.
Đối sách của Việt Nam để bảo vệ an ninh kinh tế
Việt Nam là nước hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới khoảng 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% xuất khẩu. Ở trên ta thấy khái lược bức tranh đầy ấn tượng của FDI Thái Lan tại Việt Nam. Nhưng Thái Lan chỉ xếp thứ 9 (tính theo kim ngạch lũy kế đến tháng 10/2021) và thứ 11 (tính trong 10 tháng đầu năm 2021) trong những nước đầu tư tại nước ta. Nếu có đầy đủ các dự án cụ thể của tất cả các nước đầu tư nhiều ở Việt Nam chắc chắn ta sẽ ngạc nhiên về sự hiện diện quá nhiều của doanh nghiệp nước ngoài. Dĩ nhiên cần tiếp tục thu hút FDI để phát triển nhanh nhưng đã đến lúc phải chọn lựa thật kỹ, chỉ chấp nhận những dự án thật cần thiết cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và giảm những FDI vào những lãnh vực mà doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác cần quan tâm đến an ninh kinh tế. Đặc biệt, không thể không lưu ý đến sự hiện diện ngày càng lớn của doanh nghiệp Trung Quốc với đặc tính mới là phục vụ nhà nước của họ. Tính theo lũy kế FDI đến tháng 10/2021, Trung Quốc xếp thứ 7, nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc vươn lên thành một trong 3, 4 nước đầu tư nhiều nhất (xếp thứ 4 theo FDI trong 10 tháng đầu năm 2021). Nếu kể cả Hồng Kông thì Trung Quốc xếp thứ 4 theo lũy kế và thứ 2 theo kim ngạch 10 tháng năm 2021. Ngoài FDI, trong lãnh vực xây dựng không có thống kê cụ thể nhưng tổng hợp các thông tin có thể biết được là tỷ lệ thắng thầu của doanh nghiệp Trung Quốc rất cao.
Trước tình hình khó khăn vì đại dịch, Chính phủ cần cho nghiên cứu, thực hiện ngay một giải pháp để cứu một số doanh nghiệp quan trọng hoặc có tiềm năng nhưng đứng trước nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm.
GS. Trần Văn Thọ
Những nước lớn, mạnh và ở xa Trung Quốc như Mỹ, Nhật mà phải cảnh giác và tăng cường cơ chế pháp lý để giữ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích đất nước. Việt Nam nhỏ, yếu lại nằm sát nách Trung Quốc thì sự tỉnh táo phải lớn hơn gấp bội.
Theo tôi, cần nhanh chóng rà soát lại các chính sách kinh tế đối ngoại như thu hút FDI, quy định đấu thầu, quy định chặt chẽ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Nên nghiên cứu ban hành các luật mới hoặc bổ sung bằng các điều lệ, các quyết định nhằm ngăn chặn các dự án FDI hay các vụ đấu thầu có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế hay chính trị.
Cần nhanh chóng soạn thảo Luật an ninh kinh tế. Luật lệ hay quyết định thì áp dụng chung cho tất cả các nước có quan hệ nhưng khi soạn thảo nội dung cần ý thức đến sự hiện diện của một nước Trung Quốc vừa lớn mạnh vừa có các phương châm mới đối với doanh nghiệp của họ. Cần nhấn mạnh một điểm nữa là chiến lược đối phó hữu hiệu và lâu dài nhất là củng cố nội lực. Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nhân dân tộc phải được nuôi dưỡng, được tạo điều kiện lớn mạnh. Mở cửa, hội nhập phải thực hiện từng bước, đồng tốc độ với sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Lập đặc khu kinh tế, cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu dài, hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ để thoái được vốn mà không quan tâm đến khả năng chi phối của doanh nghiệp nước ngoài thì không phải là chính sách khôn ngoan trong thời đại hiện nay.
Mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất tích cực triển khai hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức này tăng từ 6,2 tỷ USD năm 2017 lên 9,9 tỷ năm 2018 và 15,5 tỷ USD năm 2019 (mỗi năm tăng trên 50%). Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, họ sẵn sàng bán, và nhiều công ty nước ngoài có thể đang lợi dụng tình trạng này để mua giá rẻ.
M&A cũng là một hình thái của FDI nhưng có hai vấn đề cần lưu ý: Một là, khác với FDI thông thường, trong đó ta có thể dùng chính sách để định hướng, chỉ thu hút những dự án tốt (có công nghệ cao, phù hợp với nhu cầu phát triển), còn hình thái mua bán sáp nhập thường tự phát xảy ra giữa các công ty trong và ngoài nước. Kết quả có thể làm cho kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tư bản nước ngoài. Thứ hai, việc mua bán sáp nhập có thể liên quan đến những ngành quan trọng của nền kinh tế hoặc trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến an ninh quốc gia. Như đã nói, ngay cả các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ cũng đã đưa ra danh mục các công ty (dù là hoàn toàn tư nhân) trong đó có các quy định cấm hoặc hạn chế mua bán sáp nhập từ công ty nước ngoài.
Trước tình hình khó khăn vì đại dịch, Chính phủ cần cho nghiên cứu, thực hiện ngay một giải pháp để cứu một số doanh nghiệp quan trọng hoặc có tiềm năng nhưng đứng trước nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm. Ngoài các chính sách hỗ trợ đã có, Chính phủ nên xem xét việc dùng vốn của Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phiếu (một phần hoặc toàn phần) của các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn và đang muốn bán cho nước ngoài. Cho đến nay, trong quá trình cải cách kinh tế, ta cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp quốc doanh và tập trung vốn về SCIC. Bây giờ làm ngược lại là dùng vốn đó quốc hữu hóa một bộ phận doanh nghiệp tư nhân đang khó khăn. Trong tương lai gần, khi kinh tế ổn định trở lại và các doanh nghiệp đó hoạt động bình thường trở lại, nhà nước sẽ thoái vốn, trả lại cơ cấu sở hữu cũ cho doanh nghiệp. Giải pháp này chỉ có tính tình thế cho giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.
Các nguồn vốn khác, không phải từ SCIC, nếu có, mà chưa được sử dụng cũng có thể dùng cho trường hợp này. Ngoài ra, có thể thoái vốn ở những công ty đang lớn mạnh mà Nhà nước còn nắm giữ một phần để dùng tiền đó cho giải pháp này.
Đây có thể là giải pháp táo bạo, thoạt nghe có thể nhiều người nghĩ là đi ngược lại quá trình cải cách. Nhưng trong tình hình rất đặc biệt phải giải cứu doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch, đây có thể giải pháp linh hoạt và áp dụng có điều kiện trong một thời gian nhất định.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/an-ninh-kinh-te-cho-viet-nam-1643431197416.htm