An ninh mạng là vấn đề 'nóng' hàng đầu trong nền kinh tế số
An ninh mạng có khả năng trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế số. Trong thời gian tới, thay vì tiến hành đánh giá an ninh mạng định kỳ, các tổ chức sẽ chuyển sang mô hình được tự động hóa liên tục.
Theo ông Phil Rodrigues, Trưởng bộ phận Bảo mật, Amazon Web Services khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, một trong những thách thức lớn nhất đối với đội ngũ an ninh mạng là bối cảnh an ninh bảo mật liên tục thay đổi.
Gần đây, sự tăng tốc nhanh chóng của chuyển đổi số trong một thời gian ngắn đã buộc các tổ chức phải giải quyết những gián đoạn trong kinh doanh, chẳng hạn như tác động của làm việc từ xa. An ninh mạng luôn là ưu tiên của một số tổ chức và khi các nhà lãnh đạo an ninh, quản lý rủi ro xử lý các giai đoạn phục hồi sau hai năm vừa qua, ưu tiên này được tiếp tục mở rộng. An ninh mạng có khả năng trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế số.
Trong thời gian tới, thay vì tiến hành đánh giá an ninh mạng định kỳ, các tổ chức sẽ chuyển sang mô hình an ninh mạng được tự động hóa liên tục. Nhờ đó các tổ chức có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho việc sớm đưa ra các quyết định an ninh mạng tốt nhất trong quá trình phát triển các quy trình kinh doanh và các sản phẩm số. Vì vậy, an ninh mạng sẽ thực sự được đưa vào mọi hoạt động của tổ chức, và đó là cách tiếp cận đúng.
Văn hóa an ninh bảo mật mới này sẽ thúc đẩy tự động hóa an ninh mạng, cho phép các tổ chức sáng tạo và mở rộng quy mô một cách an toàn. Điện toán đám mây cung cấp cơ hội tốt giúp thúc đẩy an ninh mạng và bổ sung các phương pháp bảo mật từng không thể thực hiện được khi dữ liệu được lưu tại chỗ. Ví dụ, điện toán đám mây sẽ làm đơn giản việc tự động hóa các nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng như vá lỗi, ghi nhật ký, giám sát, kiểm toán và tích hợp với các bộ công cụ hiện có.
Nhờ đó, các tổ chức và chính phủ mọi quy mô sẽ được thụ hưởng rất nhiều lợi ích, bao gồm cả những cải tiến trong bảo vệ dữ liệu. Trên thế giới, công chúng đã nhận thức hơn về việc dữ liệu cá nhân của họ nên được thu thập, lưu trữ và xử lý như thế nào. Do đó các chính phủ đang đáp ứng bằng cách tạo ra các đạo luật mới để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đến năm 2024, ba phần tư dân số thế giới tại các quốc gia sẽ được bảo vệ bởi luật bảo vệ dữ liệu và các tổ chức lớn dự kiến sẽ dành 2,5 triệu USD để đầu tư vào công nghệ bảo đảm quyền riêng tư, chẳng hạn như công nghệ mã hóa, kiểm soát truy cập nâng cao và ghi log chi tiết hơn. Đây là lý do Amazon Web Services (AWS) đã ưu tiên tính năng bảo vệ dữ liệu trên đám mây kể từ ngày đầu tiên triển khai.
Không chỉ lực lượng lao động trong tương lai mới cần các chuyên gia an ninh mạng – ngay hôm nay đã có hàng triệu cơ hội việc làm sẵn sàng chờ tuyển dụng. Năm 2022, toàn thế giới thiếu 3,4 triệu chuyên gia an ninh mạng. Chúng ta có thể sẵn sàng hơn để giải quyết số lượng các mối đe dọa an ninh mạng đang gia tăng bằng cách đào tạo lực lượng lao động hiện nay về kỹ năng mềm, điện toán đám mây và nhận thức về bảo mật.
Dự đoán quá trình tuyển dụng các chuyên gia an ninh mạng sẽ hình thành xu hướng ưu tiên sự đa dạng và tìm kiếm các quan điểm sáng tạo mới. Chúng tôi cũng dự đoán rằng các tổ chức đi theo xu hướng này sẽ vượt trội về an ninh mạng so với các tổ chức khác. Trong thực tế, đó chính là ưu tiên tuyển dụng những ứng cử viên có nền tảng giáo dục và nghề nghiệp khác nhau, từ các nền văn hóa khác nhau và có thế giới quan khác nhau, tạo ra sự đa dạng trong não bộ và nhận thức của con người.
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo đó, các công nghệ mới nổi sẽ tiếp tục tăng cường vấn đề an ninh mạng. Những sáng tạo này sẽ không chỉ giúp các quy trình an ninh mạng hiện có trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy những cách tiếp cận an ninh mạng mới cho các tổ chức.
Tự động hóa đang nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng để thực hành an ninh mạng hiệu quả. Cách tiếp cận ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học (AI/ML) sẽ bổ sung thêm lớp tự động hóa trọng yếu cho an ninh mạng trong môi trường đám mây. Năng lực dự đoán từ thông tin thu thập được do AI/ML trên đám mây cung cấp có thể đóng vai trò quan trọng giúp chủ động bảo đảm an ninh mạng nhờ tự động xác định các nguy cơ và đề xuất các khuyến nghị về cách xử lý các lỗ hổng bảo mật.
Điện toán lượng tử sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, trở nên phổ biến và có thể áp dụng cho các phương án sử dụng thực tế. Trong dài hạn, điện toán lượng tử sẽ buộc các tổ chức xem xét lại các thuật toán và quy trình mã hóa hiện tại của họ để có thể đảm bảo an toàn dữ liệu tốt hơn. Các cơ chế như xác thực đa yếu tố (MFA) sẽ hoàn toàn được chuẩn hóa, trở thành các cấu phần cốt lõi của an ninh mạng trong mọi tổ chức.
An ninh mạng đang trở thành một trụ cột trung tâm trong cách lập kế hoạch và triển khai các sáng kiến kỹ thuật số mới của chính phủ các nước và các doanh nghiệp. Các công cụ điện toán đám mây sẽ đi đầu trong việc giúp các tổ chức thích ứng với bối cảnh an ninh mạng đang thay đổi và có thể đóng vai trò đặc biệt, không thể thiếu trong việc hỗ trợ các tổ chức tận dụng các công nghệ mới để bảo vệ dữ liệu quan trọng nhất của xã hội.