An ninh phi truyền thống cần được phổ cập đến toàn dân
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm 'Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu' do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay, 21.11.
Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia, học giả, cán bộ lãnh đạo cùng đi sâu phân tích, đánh giá và luận bàn xoay quanh chủ đề này.
An ninh phi truyền thống- sự nối dài của an ninh truyền thống
Có thể thấy, cục diện thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại. Đặc biệt, các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, an ninh mạng, an ninh nguồn nước… tác động đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh mối đe dọa về quân sự là sự tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia như: thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, hạn hán, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... luôn là mối hiểm họa đe dọa cuộc sống con người, đồng thời là thử thách khả năng điều hành của các Chính phủ.
Mối đe dọa ANPTT ngày càng đa dạng và phức tạp, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng nhanh chóng, trực tiếp, đa chiều đến mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là quan tâm của Đảng, Nhà nước ta. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu trong thẩm định, xây dựng văn bản pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân.
Cùng với đó, tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần đề cập sâu sắc tới tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống tới cục diện thế giới, các nước, trong đó Việt Nam.
Đề cập việc nhận diện thế nào về cách thức ANPTT, Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cho rằng: hiện nay đã xuất hiện nhiều vấn đề an ninh mà chúng ta gọi là ANPTT. Đây là những vấn đề an ninh hình thành dựa trên những tác động, nguy cơ phi quân sự, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước... ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay.
Cũng theo ông Yêm, những nguy cơ đe dọa ANPTT trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam rất nhiều. Qua nghiên cứu cho thấy, có khoảng 30 nguy cơ đe dọa ANPTT đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó, có 5 nguy cơ đang nổi lên cần lưu tâm.
Thứ nhất, về tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma túy xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.
Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình kể cả tại các địa phương, thành phố có mức tăng kinh tế lớn. Vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe dọa an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.
Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên.
Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khỏe liên quan đến an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…
Thứ năm, các nguy cơ đe dọa về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.
Minh chứng cụ thể, ông Yêm nêu: trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão Yagi. Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cuộc tấn công mạng rất dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta như: PV Oil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… Tất cả những vấn đề an ninh này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm trong điều kiện đất nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang Đỗ Tiến Thùy bày tỏ, cơn bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc đã cho thấy nguy cơ về an ninh nguồn nước, rủi ro về môi trường rất rõ ràng. Trong cơn bão đó, Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và lần đầu tiên Thủy điện Tuyên Quang phải mở cả 8 cửa xả. Cùng với việc xả lũ, mưa lớn cũng như dòng chảy dồn về, Tuyên Quang bị ngập lụt trên diện rộng, tác động nặng nề đến tài sản, tính mạng người dân, hoạt động sản xuất, môi trường. Điều đó cho thấy, chúng ta phải có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các thách thức, nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm, từ xa.
Tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu
Bàn giải pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các mối nguy rủi ro, đe dọa an ninh quốc gia, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh là nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong đó chắc chắn có năng lực quản trị ANPTT cũng như an ninh truyền thống, hai lĩnh vực của an ninh quốc gia.
Để làm tốt mục tiêu này, cần tăng cường công tác truyền thông để tất cả các cấp, các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị cơ sở, nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, nguy cơ lớn, từ những đốm lửa nhỏ cháy thành đốm lửa lớn đe dọa ANPTT của cá nhân, của con người, cộng đồng, của tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh quốc gia.
Muốn tuyên truyền, truyền thông tốt cần phải có lý luận sắc bén, cơ sở khoa học. Từ đó, mới có nền tảng lý luận để ban hành các nghị quyết, chính sách, các chiến lược, các kế hoạch, hành động, các đề tài, dự án để chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó với các mối nguy để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Vì vậy, cần có những chương trình nghiên cứu bài bản từ Trung ương đến địa phương. Việc Viện An ninh truyền thống đã được Nhà nước đồng ý chủ trương sẽ triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về ANPTT trong 10 năm tới là một giải pháp hữu hiệu, đang được kỳ vọng.
Mặt khác, chúng ta phải đổi mới căn bản tổ chức và cách quản trị thực sự phát triển, chủ động, khoa học theo đặt hàng của Nhà nước nhưng phải nhanh, hiệu quả, vận dụng được, tích hợp được để các nhà lãnh đạo ban hành các chính sách, chiến lược một cách hiệu quả, hiệu lực.
Cách mạng thành công không thể thiếu lực lượng, mà lực lượng ở đây là những người được học tập bài bản, có đạo đức, có phẩm chất, có quyết tâm bảo vệ con người, bảo vệ quốc gia. Chúng ta phải đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương thấm nhuần nghị quyết, quan điểm của Đảng về ANPTT và đặc biệt là phải học kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia, tham mưu, chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, phòng ngừa rủi ro, không để rủi ro đến chúng ta mới ứng phó.
Kỳ vọng có một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về an ninh phi truyền thống
Trao đổi tại Tọa đàm, các chuyên gia kỳ vọng: Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quan tâm và triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về ANPTT. Chương trình này không chỉ tạo cơ sở khoa học vững chắc để nghiên cứu sâu hơn, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách, chiến lược mang tính bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý ANPTT.
Đặc biệt, ANPTT cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm “ba sẵn sàng, bốn tại chỗ” như bài học kinh nghiệm quý báu của cha ông chúng ta thường nhắc “nước xa không cứu được lửa gần”
Cuối cùng, Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức ANPTT mà cần tăng cường hợp tác quốc tế; đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường.
Từ những ý kiến trên, có thể khẳng định tính cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm toàn xã hội cũng như năng lực quản trị ANPTT của các cấp, các ngành, địa phương, các cấp lãnh đạo quản lý trước tính chất nguy hiểm của các mối đe dọa ANPTT, không chỉ biểu hiện ở mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả cộng đồng; ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự.