An ninh quốc phòng | Quân Sự TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Những năm qua, công tác đảm bảo hậu cần ở Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nậm Nhùn có bước chuyển biến vượt bậc, nhất là công tác tăng gia, chăn nuôi có nhiều sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, góp phần nâng cao đời sống cho bộ đội.
Hàng ngày, sau khi kết thúc giờ làm việc, cán bộ chiến sỹ Ban CHQS huyện Nậm Nhùn lại tập trung ra khu vực tăng gia, chăn nuôi xung quanh đơn vị. Tận dụng những khoảng đất trống, đơn vị quy hoạch xây dựng hệ thống vườn, giàn để trồng rau. Chủ động cải tạo đất, chuyển đổi rau theo mùa vụ không để tình trạng thừa thiếu cục bộ. Ngoài trồng rau, cán bộ, chiến sỹ còn nuôi lợn, gà để bổ sung nguồn thực phẩm tươi sống, an toàn hàng ngày.
Cùng với đồng chí Trung tá Phùng Duy Giáp - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nậm Nhùn, chúng tôi mục sở thị khu tăng gia sản xuất của đơn vị. Hình ảnh đầu tiên là vườn rau được xây dựng, quy hoạch trong khuôn viên chừng 300m2 ngay cạnh đơn vị. Trong vườn, các anh trồng nhiều loại rau gồm: cải ngọt, cà tím, rau ngót và vườn thuốc nam được chăm sóc kỹ lưỡng. Cứ sau giờ làm việc, gần như tất cả cán bộ, chiến sỹ đều tham gia chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Việc tăng gia đã đi vào nề nếp, ngay cả với những chiến sỹ mới chỉ sau thời gian ngắn đã làm quen và thuần thục mọi công việc. Công việc tăng gia được luân phiên theo ngày, mỗi nhóm khoảng 5-7 người, tất cả đều hồ hởi, phấn khởi tham gia. Trong mỗi buổi tăng gia, sẽ có một cán bộ đứng ra chịu trách nhiệm đốc thúc anh em thực hiện công việc.
Trung tá Phùng Duy Giáp - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nậm Nhùn cho biết: “Nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ, chiến sỹ là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, mặc dù chế độ, chính sách cho bộ đội được bảo đảm nhưng việc tạo thêm nguồn thực phẩm sạch đưa vào bữa ăn hằng ngày cũng rất cần thiết. Do đó, chúng tôi chủ động tận dụng diện tích đất trống của đơn vị để trồng trọt, chăn nuôi nhằm đưa nhiều loại thực phẩm an toàn, bổ dưỡng vào bếp ăn cho bộ đội. Hơn thế nữa, thông qua lao động, sản xuất, tạo sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Sau giờ tăng gia, anh em lại cùng nhau tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt hơn cho công việc”.
Nhờ chăm chỉ trong công tác chăm sóc, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn rau và đàn vật nuôi luôn phát triển tốt. Năm 2020, tổng thu từ tăng gia, sản xuất sau khi trừ chi phí đạt gần 40 triệu đồng. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị được hưởng trên 1,3 triệu đồng tiền ăn hàng năm từ lãi do hoạt động tăng gia. Đơn vị đã đảm bảo thường xuyên nhu cầu rau ăn hàng ngày và 50-60% thực phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ đầu năm đến nay, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đơn vị vẫn duy trì tốt hoạt động tăng gia. Tổng đàn lợn từ 8-10 con; đàn gia cầm 100-150 con và 300-400m2 rau sạch. Số tiền thu được từ hoạt động tăng gia, phục vụ bữa ăn cho anh em trong đơn vị khoảng 30 triệu đồng. Đời sống của cán bộ chiến sỹ không ngừng được nâng lên, qua đó góp phần giúp tập thể đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Đại úy Lưu Văn Bình - Chủ nhiệm hậu cần, Ban CHQS huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Khi đơn vị phát động tăng gia sản xuất, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều nhiệt tình hưởng ứng; không chỉ tạo nguồn lương thực, thực phẩm cải thiện đời sống, mà còn giúp chiến sỹ tăng cường ý thức khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất. Chính bởi vậy, đơn vị thường xuyên bảo đảm rau xanh trong các bữa ăn của bộ đội, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy". Khẩu phần ăn, chất lượng bữa ăn cũng được nâng nên rõ rệt nhờ việc tăng gia. Anh em được đảm bảo sức khỏe là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Hoạt động tăng gia không chỉ nâng cao chất lượng bữa ăn mà còn có thể tiết kiệm được nguồn kinh phí để đơn vị đầu tư, trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội; giúp cán bộ, chiến sỹ gần gũi, chia sẻ và gắn bó với nhau hơn. Đồng thời, những kinh nghiệm từ việc này cũng giúp nhiều chiến sỹ sau khi ra quân có thể tự tổ chức hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.