An ninh quốc phòng TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Chủ động nắm chắc tình hình địa bàn; tham mưu triển khai các giải pháp phòng ngừa hiệu quả và quyết liệt trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật… thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi phía Tây bắc Tổ quốc, tỉnh ta có diện tích tự nhiên, diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với hơn 170 điểm khoáng sản, phân bố đều ở các huyện, thành phố. Nhiều loài động vật, gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: lát, nghiến, táu, pơmu… Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản thời gian qua đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế, cấp phép hoạt động, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường.

Lực lượng cảnh sát môi trường nắm tình hình khai thác cát được cấp phép tại thị trấn Phong Thổ.

Lực lượng cảnh sát môi trường nắm tình hình khai thác cát được cấp phép tại thị trấn Phong Thổ.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại một số nơi. Có thể kể đến việc khai thác vàng ở khu vực giáp ranh giữa xã Mù Cả, Tà Tổng, Nậm Khao (huyện Mường Tè), xã Khun Há (huyện Tam Đường) và xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ); khai thác đá đen tại khu vực xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ). Khai thác rừng già trái phép ở các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, một số bà con không có công ăn việc làm ổn định, khai thác gỗ, khoáng sản trái phép để sử dụng và bán kiếm lời.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các phòng liên quan xây dựng kế hoạch, chuyên đề cụ thể theo từng lĩnh vực; triển khai lực lượng xuống địa bàn cơ sở phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, phổ biến pháp luật tới người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm; giải quyết triệt để những điểm phức tạp về hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Chỉ tính riêng trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 54 vụ với 60 đối tượng và 2 tổ chức về các hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán khoáng sản, lâm sản; mua bán, vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật. Trong đó, xử lý hình sự 9 vụ, 14 bị can. Chính nhờ sự vào cuộc kịp thời của lực lượng công an đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, lâm nghiệp trên địa bàn thực thi đúng pháp luật, tránh gây thất thoát nguồn tài nguyên.

Phong Thổ là huyện biên giới có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhất là vật liệu xây dựng được phân bố dọc theo các bãi bồi 2 bên bờ và lòng sông, suối khu vực thị trấn Phong Thổ, các xã: Mường So, Huổi Luông, Ma Li Pho. Số lượng cát nằm rải rác, tập hợp thành nhiều bãi, đôi lúc gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trước thực trạng đó, lực lượng Công an huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu các văn bản cho Ban Chỉ huy Công an huyện trình UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý khoáng sản. Thường xuyên phối hợp, nắm tình hình địa bàn, phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm để xử lý, tạo tính răn đe. Qua đánh giá, hiện nay, các đơn vị được cấp phép khai thác cát chấp hành nghiêm các quy định; tình trạng khai thác cát trái phép giảm dần.

Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt (ở tổ dân phố Pa So, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) hoạt động khai thác cát trên khu vực sông Nậm Na từ năm 2006 đến nay. Xác định để công việc được lâu bền, hiệu quả, ngoài việc đảm bảo an toàn lao động, đa dạng hóa sản phẩm cung ứng ra thị trường với giá cả phải chăng, doanh nghiệp chủ động chấp hành nghiêm các quy định về khai thác khoáng sản.

Doanh nghiệp khai thác đúng khu vực cấp phép, đầu tư công nghệ khai thác đảm bảo môi trường, tránh sạt lở bờ sông. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp khai thác được trên dưới 1 vạn khối cát, cung cấp cát cho thị trường trong và ngoài huyện. Doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, mức lương trung bình 7-8 triệu đồng/người/tháng.

...

Lực lượng cảnh sát môi trường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản đến người dân huyện Phong Thổ.

Lực lượng cảnh sát môi trường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản đến người dân huyện Phong Thổ.

Thời gian tới, lực lượng cảnh sát môi trường toàn tỉnh tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng. Gần đây nhất là Kế hoạch số 516/KH-UBND ngày 24/2/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022. Từ đó, hướng đến mục tiêu giúp các nguồn tài nguyên phát huy hiệu quả lâu dài, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ninh-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng/%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-r%E1%BB%ABng-v%C3%A0-t%C3%A0i-nguy%C3%AAn-kho%C3%A1ng-s%E1%BA%A3n