Án nước ngoài-Luật Việt Nam: Đi tù vì buôn bán thịt…chó
Ngày 18/10/2021, lần đầu tiên 1 người buôn bán thịt chó bị tòa án ở Indonesia kết án tù và phải nộp phạt hơn 10.600 USD vì vi phạm lệnh cấm.
Án nước ngoài:
Indonesia xử phạt người buôn bán thịt chó
Khi Tigre, chú chó cưng của gia đình Aya Diandara Salvator, người Indonesia, mất tích vào năm 2012, cô đã nghi ngờ điều tồi tệ nhất. Sau 2 ngày tìm kiếm, Aya nhận được tin sốc từ 1 tài xế taxi địa phương rằng con vật cưng của cô đã bị 2 người đàn ông trên 1 chiếc xe máy bắt đi.
Vị tài xế chứng kiến vụ bắt trộm chó xảy ra ở Bekasi (Tây Java, Indonesia) kể 1 trong 2 người đàn ông đã lái chiếc xe máy trong khi người kia kéo Tigre đi với 1 sợi dây thắt cổ. Không lạ gì với những câu chuyện như vậy, Aya lập tức biết rằng sẽ không bao giờ có thể gặp lại con chó yêu quý.
Phương thức bắt trộm chó kể trên trùng khớp với báo cáo về hoạt động của những kẻ săn trộm trên khắp đất nước. Nhiều người khác giống như Aya đã đau lòng khi mất đi người bạn bốn chân vì ngành buôn bán thịt chó tại Indonesia.
Trong bối cảnh lo ngại về bệnh dại, sự tàn ác đối với động vật và danh tiếng của đất nước, các nhà chức trách Indonesia đã cam kết cấm tiêu thụ và bán thịt chó vào năm 2018.
Kể từ đó, luật cấm buôn bán thịt chó của các tỉnh dần được ban hành. Tuy nhiên, thực tế ở những khu vực có lệnh cấm, việc thực thi quy định không được đảm bảo và hoạt động buôn bán vẫn hầu như không bị xử phạt.
Mới đây, chính quyền Indonesia đã xét xử một vụ án có tính bước ngoặt, lần đầu tiên người buôn bán thịt chó bị truy tố vì vi phạm luật an toàn và sức khỏe động vật.
Ngày 18/10, mgười đàn ông 48 tuổi đã bị kết án 10 tháng tù và phải nộp phạt 150 triệu rupiah (10.600 USD) sau khi bị phát hiện vận chuyển 78 con chó (nhiều con trong đó có đeo vòng cổ, nghĩa là chúng bị bắt trộm khỏi chủ nuôi) hồi tháng 5.
Án phạt trên báo trước một chiến thắng lớn cho những nhà hoạt động vì động vật trong nước.
"Lần đầu tiên truy tố những kẻ buôn bán thịt chó gửi thông điệp mạnh mẽ đến những người khác rằng hành động tàn bạo này là bất hợp pháp và sẽ không được dung thứ ở Indonesia", Lola Webber, Giám đốc chiến dịch End Dog Meat tại Humane Society International, nói với VICE World News.
Trong 78 con chó được phát hiện trong xe bán tải, hơn 10 con đã chết. Những con chó bị bắt trộm để bán lấy thịt thường chết trong quá trình vận chuyển do say nắng, mất nước và bị thương.
Dù đại đa số người Indonesia không ăn thịt chó, hoạt động buôn bán vẫn tồn tại ở một số thị trường địa phương vì giá rẻ và được cho là chữa được một số bệnh như sốt xuất huyết và hen suyễn.
Luật Việt Nam:
Chỉ xử lý hình sự hành vi trộm chó có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên
Trong khi thịt chó bị coi là ô uế và bị cấm ở Indonesia - nơi đa số người dân theo đạo Hồi thì Việt Nam và một số quốc gia khác ở châu Á, việc buôn bán thịt chó không bị pháp luật cấm.
Tuy nhiên, nếu trộm chó với số lượng lớn thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước tiên, phải xác định rõ là chó, mèo hay bất cứ vật nuôi nào đều được coi là tài sản của chủ sở hữu và theo pháp luật hình sự của Việt Nam, những hành vi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản trái pháp luật đều sẽ bị xử lý.
Đây là tội danh có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì 1 người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản khi tài sản bị lấy trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu thì phải kèm theo 1 trong 4 dấu hiệu là đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh...
Hình phạt chính của tội Trộm cắp tài sản là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm sẽ phải đối diện với mức phạt từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền.
Như vậy, chiếu theo quy định trên, những vụ trộm chó có giá trị trên 2 triệu đồng sẽ bị khởi tố hình sự. Nếu giá trị số chó bị trộm dưới 2 triệu nhưng người thực hiện hành vi đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì mới bị xử lý.
Nếu hành vi trộm cắp tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng và không thuộc dấu hiệu vừa nêu trên thì người thực hiện hành không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thay vào đó, họ sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản. Mức phạt sẽ căn cứ vào hành vi phạm cụ thể.